Sáp nhập token – Xu hướng tiếp theo của các dự án crypto?


Thực trạng quá nhiều đồng coin “na ná nhau” xuất hiện làm thị trường phân mảnh sẽ dẫn đến xu hướng sáp nhập token giữa các dự án crypto, theo các chuyên gia quan sát nhận định.

Sáp nhập token – Xu hướng tiếp theo của các dự án crypto?

Tối ngày 27/03, cộng đồng crypto xôn xao trước thông tin SingularityNet, Fetch.ai và Ocean Protocol sáp nhập token, để trở thành một dự án có vốn hoá pha loãng hoàn toàn lên đến 7,5 tỷ USD với mục tiêu chống lại sự thống trị của các công ty Big Tech.

Sự sáp nhập của 3 cái tên lớn trong mảng hot-hit như AI có lẽ là trường hợp đầu tiên mà cộng đồng được chứng kiến. Nhưng theo các nhà quan sát, sớm thôi chúng ta sẽ còn quan sát thấy nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) hơn nữa.

Giải pháp cho một thị trường quá phân mảnh

Hiện có đến 13.694 token được CoinGecko thu thập dữ liệu, với 1.043 sàn giao dịch tập trung (CEX) và tổng vốn hóa ở 2,6 tỷ USD.

Nguồn: CoinGecko

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự cần số “dự án” nhiều đến như vậy không?

Rõ ràng là không. Tại sao lại có quá nhiều token khi việc sử dụng và áp dụng công nghệ thậm chí còn chưa đạt đến mức cần thiết? Dù là DEX, lending, Layer-2 hay thậm chí là NFT và memecoin, chúng ta đang có quá nhiều dự án với các công nghệ “na ná” nhau, giải quyết cùng chung vấn đề hoặc thậm chí chỉ tạo ra dự án chỉ là bản “copy-paste” của người đi trước.

Tương tự như kỷ nguyên dot-com cuối những năm 90, sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) và công chúng đã dẫn đến dòng vốn chảy vào quá nhiều dự án tiền mã hóa khác nhau đang cố gắng giải quyết các vấn đề tương tự nhau, tạo ra nhiều token hơn mức cần thiết.

Như một chuyên gia đầu tư khẳng định: 

“Dòng vốn mạo hiểm và các vòng cấp vốn quá cao trong thị trường bull-run đã dẫn đến việc tạo ra một loạt các dự án tìm cách giải quyết những thách thức tương tự nhau, chỉ là thực hiện dưới một cách tiếp cận hơi khác mà thôi.”

Hay CEO Chiliz Alex Dreyfus nhìn nhận:

“Hiện đã có quá nhiều token và quá nhiều “dự án” nên thị trường không đủ khả năng áp dụng và cung cấp tiện ích.”

Vậy giải quyết vấn đề này thế nào? Chúng ta có thể học theo các lĩnh vực truyền thống như Internet, chất bán dẫn hay y tế: M&A để giải quyết sự phân mảnh.

“Cuối cùng, sự hợp nhất sẽ là chìa khóa.”

Thách thức không hề nhỏ

Nếu đã nhìn rõ như vậy, tại sao lại không có nhiều thương vụ sáp nhập hơn trong quãng thời gian qua?

Câu trả lời đơn giản là lĩnh vực còn quá non trẻ và cần thêm thời gian phát triển để đạt đến mức độ mà các thương vụ M&A có thể diễn ra thường xuyên hơn.

Một quản lý cấp cao tại Safe phân tích: 

“Thị trường M&A tiền mã hóa vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và do đó, thường không có khuôn mẫu hoặc quy tắc cụ thể nào. Dẫn đến việc các thương thảo trở nên khó khăn và phức tạp hơn.”

Thêm một khó khăn nữa là vì đây là thị trường coin và token xây dựng trên các blockchain. Giao dịch chuyển giao tài sản hoặc gộp nhiều token lại thành một, gộp hoạt động trên các blockchain lại với nhau,… không phải là điều dễ dàng. 

Đồng sáng lập kiêm CEO The HBAR Foundation là Shayne Higdon chia sẻ:

“Với tiền mã hóa, vốn có đặc tính mã nguồn mở và phi tập trung, bạn thực sự đang mua lại hoặc hợp nhất những gì? Bạn đang hợp nhất hoạt động giữa các dự án hay chỉ là gộp token lại với nhau?”

Với các dự án điều hành bởi DAO do cộng đồng bầu chọn thì làm sao để cộng đồng thống nhất và đồng ý sáp nhập lại? 

M&A có thể đẩy giá token tăng trong ngắn hạn nhưng đôi khi lại làm giảm giá trị về mặt dài hạn. Nếu không có mục tiêu phát triển rõ ràng, giải pháp khả thi thì đôi khi việc sáp nhập lại cũng chỉ làm tạo ra thêm một dự án “bình mới rượu cũ” nữa mà thôi.

Bàn tay pháp lý

Không thể không nhắc đến vai trò của quy định pháp lý trong cuộc chơi này. Ở thị trường truyền thống, chúng ta đã quá quen thuộc với các câu chuyện M&A không thể thành công vì có sự “nhúng tay” của chính phủ.

Đơn cử như thương vụ mua lại NXP Semiconductors trị giá hơn 40 tỷ USD của gã khổng lồ công nghệ Qualcomm đã thất bại sau khi bị Trung Quốc ra tay ngăn cản. Hay như Canada ngăn cản gã khổng lồ khai thác mỏ BHP Billiton tiếp quản Potash Corp với giá 39 tỷ USD.

Không nói đâu xa, crypto cũng từng chứng kiến những sự vụ tương tự, như SEC phản đối thương vụ Binance.US mua lại Voyager bằng cáo buộc chứng khoán.

Nhưng bên trên chỉ là trong phạm vi Hoa Kỳ. Với các dự án đăng ký hoạt động ở nơi khác, M&A có thể diễn ra dễ dàng hơn. Các nhà quan sát cũng cho rằng thị trường nên tăng cường các thương vụ mua lại và sáp nhập trước khi pháp lý trở nên “khó nhằn” hơn.

Mảng nào sẽ có nhiều thương vụ M&A nhất?

Với dự đoán các hoạt động sáp nhập token sẽ diễn ra thường xuyên hơn thì chúng ta nên chuẩn bị những gì?

Dự án không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn sẽ tìm cách hợp nhất lại với nhau để duy trì hoạt động. Như một đồng sáng lập dự án về smart contract cho Bitcoin bày tỏ:

“Làn sóng M&A tiếp theo có thể xảy ra trong các lĩnh vực có mức độ phân mảnh cao, chẳng hạn như những Layer-1 không thể tiến vào Top 10, DEX, DeFi, các đơn vị vận hành node và thậm chí có thể cả các dự án NFT”. 

Hoặc nói rõ hơn, hoạt động M&A đang diễn ra trên diện rộng và không có dự án hay lĩnh vực nào có thể thoát khỏi xu hướng này. Không chỉ các dự án trong ngành quyết định bắt tay lại với nhau mà còn là các tay chơi truyền thống tìm đến dự án Web3 tiềm năng để làm bàn đạp tiến vào lĩnh vực nhanh chóng hơn.

Và một xu thế thú vị hơn nữa: sự hợp nhất giữa các memecoin.

“Dự đoán của tôi là xu hướng này sẽ tạo ra một cơn sốt mới trong thế giới memecoin, nơi tôi có thể thấy trước được sự xuất hiện của những đồng như ShibaPepes hay FlokiDoges.”

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!



Source link

Comments (No)

Leave a Reply