Hiệp hội Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu đào tạo blockchain và AI cho 1 triệu người Việt


Chiều ngày 24/04/2024, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).

Hiệp hội Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu đào tạo blockchain và AI cho 1 triệu người Việt

Chương trình Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai” có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Dư luận Xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng TW Đảng,… và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, VASP trong và ngoài nước cùng gần 100 cơ quan báo chí, truyền hình. 

VBA ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo

Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII) đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) cho 1 triệu lượt người dùng, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước qua nhiều hoạt động như: Hội thảo, đào tạo, hackathon, ideathon, chương trình Unitour 2024 dành cho đối tượng sinh viên hay dự án pháp luật trực tuyến (online) để hỗ trợ tư vấn pháp lý cho đông đảo cộng đồng. 

Tham dự chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao các nỗ lực của Viện ABAII nói riêng và Hiệp hội Blockchain Việt Nam nói chung trong tiến trình tham vấn chính sách và thúc đẩy phổ cập – đào tạo blockchain và AI.

Theo ông Giang, giáo dục là yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, việc Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện ABAII lựa chọn mục tiêu phổ cập blockchain và AI cho là một quyết định đúng đắn, nhân văn, thể hiện rõ mục tiêu hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh:

“Mặc dù ở Việt Nam, công nghệ blockchain và AI còn mới mẻ và nhiều thách thức, tôi tin tưởng rằng với quyết tâm cao độ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện ABAII sẽ sớm đạt được mục tiêu này.”

Theo GS. TSKH Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện ABAII:

“Nếu như Blockchain là cơ hội lớn nhất mà chúng ta có thể nghĩ đến trong thập kỷ tới thì AI là sự tiến bộ vượt bậc của loài người, giúp định hình lại tương lai theo cách không thể tưởng tượng nổi. Chính vì vậy, sứ mệnh của Viện ABAII là khai phá, phát triển và kết hợp những ưu thế vượt trội của 2 công nghệ tiên tiến này nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.”

Trong khuôn khổ chương trình còn có các sự kiện gồm công bố chương trình hành động hỗ trợ gọi vốn Switch Up Accelerator mùa thứ 2 cho các start up công nghệ và chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành blockchain Việt Nam và toàn cầu trước và sau thời điểm Bitcoin halving lần thứ 4, cũng như các cơ hội và triển vọng của Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay. 

Tọa đàm góp ý hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP

Điểm nhấn là việc VBA tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP. 

Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP được ban hành, đáng lưu ý nhất là Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 do Thủ tướng Chính phủ ký, yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý crypto vào tháng 05/2025.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. 

Chia sẻ về mục tiêu của VBA, ông Phan Đức Trung cho biết, trong thời gian tới VBA sẽ tích cực trao đổi với các cơ quan, bộ ngành làm cơ sở cho hành động 6 và tiếp cận phổ biến chính sách (các khu vực bao gồm cả khu vực tư nhân) theo hành động 7 và hành động 8 theo Kế hoạch hành động quốc gia 2024 về phòng và chống rửa tiền.



Source link

Comments (No)

Leave a Reply