Sự cố “màn hình xanh chết chóc” toàn cầu do bản cập nhật lỗi của CrowdStrike


Sự cố không chỉ đơn giản làm “mất điện” vài hệ thống máy tính doanh nghiệp mà còn tác động khổng lồ lên toàn bộ thiết bị ở hầu hết công ty đa lĩnh vực toàn cầu.

Thế giới “điêu đứng” vì lỗi kỹ thuật nghiêm trọng nhất lịch sử của Microsoft/CrowdStrike

Báo cáo từ nhiều nguồn tin cho biết, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với sự gián đoạn về công nghệ thông tin lớn khiến hàng nghìn hệ thống máy tính và thiết bị chạy Microsoft Windows bị sập.

Người dùng Microsoft Windows trên toàn thế giới, bao gồm Ấn Độ, Úc, Đức, Hoa Kỳ, Anh và nhiều quốc gia khác, đang gặp phải sự cố “màn hình xanh chết chóc” (blue screen of death – BSOD) trên máy tính xách tay của họ. Điều này khiến hệ thống của họ tự động khởi động lại, bật/tắt liên tục dẫn đến gián đoạn công việc.

Theo tìm hiểu của các công ty công nghệ, nguyên nhân sự cố bắt nguồn từ một bản cập nhật cho sản phẩm bảo mật có tên là Falcon của CrowdStrike đã gặp trục trặc, gây xung đột cho những hệ thống chạy hệ điều hành Microsoft Windows. 

CrowdStrike là một phần mềm bảo mật an ninh mạng dựa trên điện toán đám mây được phát triển bởi công ty CrowdStrike của Mỹ, được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và bảo vệ những thiết bị đầu cuối (Endpoints) cho hệ thống máy tính doanh nghiệp.

CrowdStrike sử dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được gọi là Falcon có khả năng tự động phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa theo thời gian thực, được tích hợp đa dạng giải pháp bảo mật nhằm đảm bảo mạng lưới máy tính luôn ở trạng thái bảo mật toàn diện. Phần mềm này được thiết kế để hoạt động trên nhiều nền tảng, bao gồm Windows, macOS, Linux, Cloud và Container trên các nền tảng Hybrid-Cloud.

CrowdStrike được các nhà phân tích trong ngành, các tổ chức thử nghiệm độc lập và các chuyên gia bảo mật công nhận là công ty đi đầu trong các giải pháp bảo vệ Endpoints.

Hiện tại, Chủ tịch kiêm CEO của Crowdstrike, George Kurtz, tuyên bố đã xác định được vấn đề, đang triển khai bản sửa lỗi đồng thời phối hợp tích cực với các khách hàng bị ảnh hưởng.

Trên Reddit của CrowdStrike, một giải pháp tạm thời đã được đăng bởi một người điều hành nhưng cách thức này yêu cầu người dùng cần thực hiện thủ công trên từng máy tính riêng lẻ chứ chưa đồng bộ áp dụng cho một hệ thống máy tính cấp độ doanh nghiệp.

Một giải pháp khắc phục sự cố “màn hình xanh chết chóc” tạm thời được đăng tải lên Reddit công ty bởi một nhân sự trong ban điều hành CrowdStrike.

Trang chủ của CrowdStrike khẳng định sản phẩm của họ thu thập và phân tích hơn 30 tỷ thiết bị Endpoints mỗi ngày từ hàng triệu Falcon được triển khai trên 176 quốc gia.

Do đó, sự cố BSOD không chỉ đơn giản làm máy tính tự động bật/tắt không kiểm soát ở phạm vi nhỏ. Điều này còn tạo tác động tiêu cực khổng lồ tới nhiều hệ thống thiết bị trên toàn thế giới bao gồm “tê liệt” các chuyến bay, gián đoạn lịch trình tàu hỏa, ảnh hưởng đến máy chủ ngân hàng và các máy móc hỗ trợ trong dịch vụ y tế.

Các tác động “tiêu cực” đầu tiên được báo cáo vào khoảng trưa ngày 19/07/2024 (theo giờ Việt Nam) ở Úc – New Zealand nhưng sau đó đã lan sang cả Châu Á và Châu Âu, nơi các sân bay bị “tê liệt” nghiêm trọng và hàng nghìn hành khách phải đối mặt với sự chậm trễ. Delta, United và American Airlines đã phải hủy các chuyến bay do sự cố ngừng hoạt động.

Tại Vương quốc Anh, dịch vụ tàu hỏa cũng thông báo về sự ảnh hưởng bởi sự cố: “Chúng tôi hiện đang gặp phải các vấn đề CNTT lan rộng trên toàn bộ mạng lưới của mình” – đội ngũ Đường sắt phía Nam tuyên bố trên X, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hầu hết dịch vụ tàu hỏa ở miền Nam Anh Quốc.

Kênh tin tức truyền hình phát sóng miễn phí của Anh Quốc là Sky News cũng buộc phải dừng lịch phát sóng trực tiếp sáng ngày hôm nay.

Trong khi đó, tại sân bay Changi của Singapore chứng kiến “hàng dài” người xếp hàng tại các cửa nhà ga sau sự cố ngừng hoạt động hệ thống công nghệ thông tin toàn cầu.

Một vị khách có vé máy bay thuộc hãng hàng không IndiGo của Ấn Độ đã phải thốt lên đầy bất ngờ rằng “lần đầu tiên trong đời tôi nhận được thẻ lên máy bay được viết bằng tay”.

Ngoài ngành du lịch, các ngân hàng, công ty tài chính trên toàn thế giới và tổ chức tiền mã hóa cũng báo cáo bị ảnh bởi sự cố, trong đó Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) báo cáo sự cố kỹ thuật về dữ liệu và dịch vụ tin tức của mình nhưng cho biết sàn giao dịch vẫn hoạt động bình thường.

Giám đốc An ninh của Polygon, Mudit Gupta, tuyên bố trên X rằng Polygon có sử dụng công nghệ CrowdStrike, nhưng họ “không bị ảnh hưởng vì chúng tôi luôn kiểm tra chúng trước khi triển khai các bản cập nhật không quan trọng cho nhân viên của mình.”

Sự cố công nghệ ngày hôm nay có thể là sự cố lớn nhất trong lịch sử. “Đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì ở quy mô này. Thực tế là chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì gần giống thế này”, Ange Lavoipierre, phóng viên công nghệ của ABC, cho biết.

Khi được hỏi về mức độ thiệt hại do sự cố “mất điện” gây ra, chuyên gia công nghệ thông tin và máy tính – Suelette Dreyfus của Đại học Melbourne đã trả lời News Channel rằng “con số này có thể lên tới hàng trăm triệu USD bởi điều này tác động đến toàn cầu”.

Giá cổ phiếu của CrowdStrike đã giảm hơn 12% trong giao dịch trước giờ mở cửa quanh 343,05 USD.

Giá cổ phiếu CRWD của công ty CrowdStrike chụp vào lúc 07:30 PM ngày 19/07/2024 trêm Google Finance.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!





Source link

Comments (No)

Leave a Reply