CatVM là gì? Giao thức cầu nối phi tập trung cho hệ sinh thái Bitcoin


Xu hướng mang dòng chảy DeFi tới hệ sinh thái Bitcoin già cỗi đang ngày một phát triển, các giải pháp mới liên tục được đưa ra và cập nhật. Ngày 16/04/2024 vừa rồi dự án đã chính thức giới thiệu bản Whitepaper của CatVM, một giải pháp mở rộng mạng lưới Bitcoin với nhiều cải tiến.

CatVM là gì? Giao thức cầu nối phi tập trung cho hệ sinh thái Bitcoin

Giới thiệu

Nếu là fan cứng của Bitcoin và phong trào Ordinals thì chắc hẳn bạn không thể không biết tới Taproot Wizards, một trong những bộ Inscription cổ thụ nhất mạng lưới Bitcoin. Và có thể bạn vẫn chưa quên sự kiện Block 4MB lịch sử, nơi châm ngòi cho làn sóng đầu tiên của phong trào NFT trên Bitcoin.

Rạng sáng ngày 02/02/2023, Udi Wertheimer cùng xưởng đào Luxor đã thành công đưa bức hình phù thuỷ được mã hoá vào Bitcoin block, kích thước của nó đã gần như chiếm trọn không gian block với 4MB, cao gấp 4 lần thông thường.

Hình ảnh Taproot Wizards được đưa vào block 4MB

Những câu chuyện tiếp theo về Ordinals, Inscription thì chắc hẳn các bạn cũng đã nắm, phong trào liên tục được phát triển, đặc biệt là sau cú shill của Elon Musk và sự kiện Binance list BRC-20 token ORDI.

Chưa dừng lại ở đó, hiện tại các cuộc chạy đua về mở rộng mạng lưới Bitcoin đang diễn ra hết sức sôi động. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi đã có hơn 30 dự án được ra mắt. Nhưng cũng phải nói rằng vàng thì ít mà cát thì nhiều, không ít dự án chỉ làm qua loa để bám trend, các dự án có tính mới, có nền tảng công nghệ vững chắc không nhiều.

Quay lại với Udi và Block 4MB lịch sử, sau khi thành công đưa Inscription đầu tiên của Taproot Wizards lên mạng lưới, anh đã tiếp tục hoàn thiện 2107 Inscription còn lại để tri ân những người ủng hộ sớm. Nếu như Taproot Wizards chỉ là vì nền văn hoá và chưa bao giờ được chào bán thì Quantum Cats lại là bộ sưu tập chứa đựng nhiều tiện ích và sử dụng để kêu gọi vốn cho những kế hoạch dài hạn.

Đầu năm 2024, Udi Wertheimer giới thiệu bộ sưu tập Quantum Cats trên mạng lưới Bitcoin. Quantum Cats bao gồm 3.333 Inscription hình ảnh mèo được mở bán với giá 0,1 BTC (4.265 USD thời điểm đó). Bộ sưu tập đã nhanh chóng bán hết và trở thành một trong những nft collection có giá trị nhất mạng lưới Bitcoin.

Bộ sưu tập Quantum Cats bởi Taproot Wizards

Đúng như những gì cộng đồng đồn đoán, Quantum Cats là bộ sưu tập có liên quan trực tiếp tới kế hoạch dài hạn mà Udi đang phát triển. Ngày 16/04/2024 vừa rồi dự án đã chính thức giới thiệu bản Whitepaper của CatVM, một giải pháp mở rộng mạng lưới Bitcoin với nhiều cải tiến.

Whitepaper của CatVM được viết theo cách hết sức độc đáo, thay vì những kiến thức kỹ thuật khô khan thì CatVM đưa người đọc vào câu chuyện về chuyến phiêu lưu của Young Rijndael, một nhà thám hiểm được Satoshi giao phó trách nhiệm tìm kiếm giải pháp kết nối Bitcoin với các hệ sinh thái khác một cách an toàn và hiệu quả.

Chuyến phiêu lưu của Young Rijndael đưa chúng ta đi qua các giải pháp mở rộng hiện hữu cho Bitcoin như Multisig Bridge, Presigned Bridge, BitVM Bridge rồi cuối cùng là tới CatVM.

Multisig Bridge

Multisign Bridge là giải pháp đầu tiên dự án nhắc tới, các cầu multisign sử dụng một một hợp đồng đa chữ ký để quản lý khoản tiền của người sử dụng bridge.

Đây là phương thức nhanh chóng và dễ dàng nhất để chuyển tài sản từ một chuỗi này sang chuỗi khác, tuy nhiên đặc điểm của nó là số tiền của người dùng hoàn toàn bị phụ thuộc vào nhóm quản lý hợp đồng đa chữ ký. Nếu có rắc rối hoặc hành động độc hại nào xảy ra với những người nắm giữ đó thì tài sản của người dùng sẽ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, đây cũng là phương thức thường xuyên bị các hacker nhòm ngó.

Khi sử dụng loại cầu nối này bạn bắt buộc tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ vận hành và cầu nguyện mình đang không “giao trứng cho ác”.

Presigned Bridge

Presigned Bridge đề cập đến việc tạo ra các giao dịch có chữ ký được thêm vào trước nhưng chưa thực thi và công nhận.

Cụ thể ở đây là Lightning Network, nó sử dụng các mô hình presigned để mở kênh giao dịch, nhưng các giao dịch này chưa được truyền ngay tới mạng lưới Bitcoin mà giữ lại cho đến khi cần thiết, ví dụ như tới thời điểm các bên đồng ý đóng kênh.

Phương pháp này cho tốc độ thực thi nhanh chóng và bảo mật, nhưng vẫn còn những điểm chế khó khắc phục như:

  • Không thể triển khai các logic phức tạp.
  • Để hoàn tất giao dịch và đóng kênh, tất cả người tham gia cần online để xác thực, từ đó gây khó khăn cho việc quản lý.
  • Gặp khó khăn trong việc mở rộng số thành viên tham gia kênh thanh toán.
  • Hạn chế về công suất giao dịch, từ đó dẫn tới không thể mở rộng thanh khoản.

Với những hạn chế như vậy, whitepaper của CatVM mô tả rằng đó là một câu cầu vững chãi, tuy nhiên không mang lại nhiều lợi ích và ứng dụng.

BitVM Bridge

BitVM Bridge đang là giải pháp phổ biến nhất hiện tại, nó kết hợp presigned transactions, hashlock commitments, Merkleized ZK-proof traces trong một mô hình tương tự Optimistic Rollup để tính toán và xác thực các giao dịch off-chain.

Khác với Multisig Bridge, người dùng bị phụ thuộc vào nhóm quản lý ví đa chữ ký hay Presigned Bridge không mang lại nhiều tính ứng dụng. BitVM Bridge có cơ chế kiểm tra tính đúng đắn và xác thực giao dịch riêng. Đồng thời, trò chơi Thách thức – Phản hồi (Challenges & Responses) sẽ giúp bảo mật mạng lưới khỏi những hành vi độc hại.

Tuy nhiên, theo các nhà phát triển dự án thì điểm hạn chế của nó là do sử dụng pre-signed transactions và sơ đồ commit/reveal nên chỉ có Prover xác định là có khả năng rút tiền một cách permissionless còn các thành phần khác trong mạng lưới vẫn cần được cấp phép. Mô hình này phụ thuộc vào việc các Prover có thể xử lý tất cả các lần rút tiền hay không.

Trong câu chuyện của Rijndael mô tả nhóm giải pháp này là “Làng L2” thịnh vượng với kho vàng không bao giờ cạn từ VCs. Điều này quả thực đúng vì đây là nhóm giải pháp đang được các VCs rót tiền nhiều nhất.

Để hiểu thêm về giải pháp nguyên thuỷ của BitVM, bạn có thể tìm đọc lại bài viết dưới đây của Coin68: BitVM – Smart Contract chạy trên mạng lưới Bitcoin.

CatVM

Tất cả những giải pháp trên vẫn chưa đảm bảo được tính chất permissionless mà dự án hướng tới, thứ họ tìm kiếm là một cách thức giúp người dùng di chuyển tài sản ra ngoài mạng lưới Bitcoin một cách chủ động nhưng cũng có thể đưa nó trở lại một cách chủ động mà không bị phụ thuộc hay cần sự cấp phép của bất cứ bên nào, miễn là giao dịch đó chính xác.

Để làm được điều đó, họ cần tìm ra một cách để xác thực bằng chứng ngay trên mạng lưới Bitcoin chứ không phải off-chain. Câu chuyện đưa dự án trở lại với một đoạn mã thực thi đã bị lãng quên và loại bỏ khỏi mạng lưới Bitcoin là OP_CAT.

Mã thực thi OP_CAT tồn tại trong mã nguồn Bitcoin từ những ngày đầu nhưng sau đó bị chính Satoshi loại bỏ vào năm 2010 do các rủi ro tấn công DoS. Tuy nhiên, bản cập nhật Taproot năm 2021 đã vô hiệu hoá hình thức tấn công này bằng cách giới hạn 520 byte dữ liệu trong một stack.

OP_CAT là viết tắt của operation code concatenate, nó có chức năng ghép nối hai phần tử với nhau thành một sau đó đặt chúng quay lại stack. Điều này cho phép tạo ra các quy tắc phức tạp về cách chi tiêu Bitcoin, ví như tạo ra các điều kiện cụ thể cần đáp ứng mới có thể di chuyển Bitcoin.

Quay trở lại câu chuyện đi tìm giải pháp hoàn hảo cho cây cầu mang Bitcoin ra bên ngoài mạng lưới, bằng cách sử dụng OP_CAT và Merkle Tree thì việc tạo ra một logic cho việc tính toán và xác thực bằng chứng giao dịch ngay trên chuỗi là hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, trong Whitepaper đề cập rằng thông qua OP_CAT họ có thể tạo ra các quy tắc hoặc luồng thực thi được chỉ dẫn trước, bên cạnh đó nó cũng cho phép kiểm tra đầu ra của các giao dịch phía trước. Ví dụ như yêu cầu một giao dịch có OP_RETURN chứa cam kết trạng thái và sau đó kiểm tra nó trong tương lai, cơ chế này cho phép chuyển cam kết trạng thái qua các giao dịch.

Để bảo mật mạng lưới, CatVM sử dụng MATT – Merkleize All The Things, nó là một thiết kế mã hoá UTXO thông qua việc tính toán ngoài chuỗi. Khi ai đó muốn sử dụng số dư từ UTXO họ buộc phải thực hiện thông qua con đường chi tiêu Optimistic, và từ đó kích hoạt cơ chế Optimistic Rollup bằng trò chơi Thách thức & Phản hồi (Challenge & Response). Người chiến thắng sẽ giành quyền kiểm soát quỹ tiền.

Bằng tất cả những lý thuyết được đề cập bên trên là nền móng cho sự ra đời của CatVM một cây cầu decentralized và permissionless cho hệ sinh thái Bitcoin.

Có thể thấy rằng, trọng tâm của CatVM nằm ở mã thực thi OP_CAT, nó giúp hiện thực hóa khát vọng về một câu cầu hoàn toàn phi tập trung và không cần cấp phép mà các nhà phát triển mong mỏi. Tuy nhiên như đã giải thích trong phần trước, mã OP_CAT đã bị nhà sáng lập Bitcoin loại bỏ khỏi mạng lưới từ năm 2010, hiện tại Udi Wertheimer, các đồng nghiệp và những người yêu thích sự cải cách đang cố gắng đưa nó trở lại.

Đề xuất cải tiến mạng lưới Bitcoin (BIP) tháng 10 năm 2023 với nội dung mang OP_CAT trở lại bằng một bảng soft-fork đã được đưa ra. Hy vọng chúng ta sẽ sớm được thấy đề xuất này thông qua.

Các bạn có thể đọc kỹ hơn về chuyến phiêu lưu của Young Rijndael tại đây.

Lời kết

Xu hướng mang dòng chảy DeFi tới hệ sinh thái Bitcoin già cỗi đang ngày một phát triển, các giải pháp mới liên tục được đưa ra và cập nhật. Trong một tương lai không xa, có thể chúng ta sẽ được chứng kiến những bước chuyển mình đầy ngoạn mục của đồng tiền vốn hoá lớn nhất thị trường này.

Trên đây là những điểm nổi bật trong bản whitepaper của CatVM – giao thức cầu nối decentralized & permissionless mang Bitcoin tới các hệ sinh thái khác. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.

Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.

Kudō

Xem thêm các bài viết khác của tác giả Kudō:

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!





Source link

Comments (No)

Leave a Reply