Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí. Trong đó chỉ thị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tài sản ảo vào tháng 05/2025.
Chính phủ Việt Nam yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý crypto vào tháng 05/2025
Trong bối cảnh tiền mã hóa dần trở thành lĩnh vực thu hút nhiều sự chú ý trong những năm qua, pháp lý liên quan đến loại tài sản mới này là vấn đề quan trọng thường được giới chức các nước đưa ra thảo luận.
Nổi cộm nhất có lẽ là lệnh cấm toàn diện của chính quyền Trung Quốc. Hay ít gay gắt hơn là các yêu cầu khắc khe từ giới chức Mỹ.
Nhất là năm 2023 vừa qua chứng kiến các cuộc đấu tranh pháp lý tốn nhiều giấy mực giữa các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ với sàn Binance, sàn Coinbase, hay những phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried và CZ.
Những chuyển động đó thôi thúc các quốc gia khác cũng nhanh chóng đưa ra một khung pháp lý hoàn thiện đối với crypto, giúp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động minh bạch cũng như bảo vệ nhà đầu tư.
Không nằm ngoài chuyển biến toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, trong đó cần có bộ khung giám sát tài sản ảo.
Kế hoạch hành động trên nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách rà soát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước tháng 5/2025. Đây là danh sách các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman… về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Kế hoạch gồm 17 hành động với thời gian thực hiện cụ thể. Đáng chú ý nhất là:
Hành động 6 (tháng 5/2025): Xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ.
Như vậy có thể thấy, nước ta vẫn đang để ngỏ khả năng “cấm” hoặc “quản lý” đối với cryptocurrency. Các bộ ngành liên quan dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính sẽ quyết định chọn bên nào, và xây dựng những điều luật cần thiết tương ứng, với hạn chót hoàn thành trong tháng 5/2025.
Trong khi đó, Việt Nam hiện tại dù chưa có quy định rõ ràng nhưng đã trở thành thị trường quan trọng của ngành crypto toàn cầu. Với số liệu dẫn chứ từ các báo cáo nghiên cứu như:
- Top 1 về chỉ số tiếp nhận tiền mã hóa (Chainalysis) trong hai năm 2021 và 2022 liên tiếp; top 3 năm 2023;
- Top 2 về chỉ số tiếp nhận DeFi (Chainalysis, 2022);
- Top 3 về số lượng người dùng ví MetaMask hàng tháng (ConsenSys, 2021);
- Top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên Binance (Wall Street Journal, 2023).
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!
Comments (No)