Trong vài ngày qua, sàn giao dịch FTX đã đệ trình hơn 20 vụ kiện pháp lý nhằm thu hồi tài sản để bồi thường cho các chủ nợ.
FTX kiện hàng loạt đối tác và cá nhân liên quan nhằm đòi lại hàng trăm triệu USD
Sau hơn một tháng tòa án phá sản Mỹ phê duyệt kế hoạch bồi thường tài sản, sàn giao dịch phá sản FTX đã tiến hành khoảng 25 vụ kiện pháp lý với mục tiêu thu hồi tài sản để hoàn trả cho các chủ nợ
Mục tiêu của các vụ kiện là nhằm đòi lại số tiền mà FTX đã đầu tư hoặc chuyển cho các cá nhân và tổ chức dưới sự quản lý của nhà sáng lập Sam Bankman-Fried với cáo buộc rằng FTX đã mất khả năng thanh toán từ năm 2019 và những khoản đầu tư đó hoặc là vô giá trị, không tương xứng với số tiền bỏ ra.
Những cá nhân và đối tác bị kiện
Trong số các đối tác bị kiện có nhiều nhân vật nổi bật, bao gồm Anthony Scaramucci – CEO của SkyBridge Capital và cựu quan chức chính quyền Trump, các nhà phát triển của trò chơi Storybook Brawl, Chủ tịch ngân hàng Deltec Bank Jean Chalopin và Nawaaz Mohammad Meerun – cá nhân đứng sau các vụ thao túng giá trên nền tảng FTX.
1. Anthony Scaramucci và SkyBridge Capital
FTX đã khởi kiện SkyBridge Capital và CEO Anthony Scaramucci, yêu cầu thu hồi hơn 100 triệu USD. Theo hồ sơ vụ kiện, Sam Bankman-Fried đã đầu tư hàng triệu USD vào SkyBridge Capital, nhưng FTX cáo buộc rằng Scaramucci đã lợi dụng các khoản đầu tư này để thu lợi tài chính mà không mang lại giá trị tương xứng cho FTX.
FTX cũng cho rằng Scaramucci và đối tác Brett Messing đã tự ý bán một phần số Bitcoin và Solana mà SkyBridge đã mua thông qua khoản đầu tư từ FTX—một khoản đầu tư mà FTX mô tả là “không hợp lý về mặt kinh tế.” Số token này hiện được ước tính có giá trị hơn 120 triệu USD nhưng quyết định bán ra này trước đó lại không được FTX phê duyệt.
Trong đơn kiện, FTX còn yêu cầu bồi hoàn 12 triệu USD từ khoản tài trợ cho hội nghị SALT, 55 triệu USD từ hai khoản đầu tư vào các thực thể khác của Scaramucci cùng số tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng liên quan đến việc bán Bitcoin và Solana.
Đồng thời, FTX cũng đề nghị bác bỏ yêu cầu đòi lại số tiền trị giá 45 triệu USD sau khi FTX phá sản từ SkyBridge, cho rằng đây chính là số tiền mà SkyBridge đã nhận trước đó từ khoản đầu tư của Sam Bankman-Fried.
2. FTX kiện Nawaaz Mohammad Meerun, tố cáo thao túng giá token trên sàn và thu lợi hàng tỷ USD
Tiếp đó, FTX đã đệ đơn kiện Nawaaz Mohammad Meerun, cáo buộc ông là người đứng sau hàng loạt vụ thao túng giá token để vay vốn với giá trị cao. Một trong những vụ việc đáng chú ý liên quan đến các đồng coin có tính thanh khoản thấp mà còn Meerun bị cáo buộc đã thu lợi hơn 1 tỷ USD thông qua các chiến lược thao túng giá phức tạp.
Trong đơn kiện, cách thức khai thác lỗ hổng của Meerun được FTX mô tả là “lấy mỡ nó rán nó”:
- Tích trữ token: Meerun âm thầm gom một lượng lớn các token kém thanh khoản, dễ bị thao túng giá. Các token bị nhắm đến bao gồm BTMX, MOB, BAO, TOMO, SXP và KNC.
- Thổi giá: Meerun sử dụng nhiều tài khoản giả mạo với những cái tên như “motherofallburgers” hay “donerkebabveryspicy”, để liên tục mua bán, tạo ra giao dịch giả, đẩy giá token lên cao.
- Vay vốn: Meerun dùng số token đã “thổi giá” làm tài sản thế chấp để vay một khoản tiền lớn từ FTX.
- Xả hàng: Sau khi vay được tiền, Meerun lập tức bán tháo số token, khiến giá sụt giảm mạnh, gây thiệt hại cho FTX và các nhà đầu tư khác.
Không chỉ thao túng thị trường, Meerun còn bị tố cáo có liên quan đến rửa tiền, lừa đảo ponzi, thậm chí là khủng bố. Dù FTX đã phá sản, Meerun vẫn tiếp tục hoạt động dưới nhiều biệt danh khác nhau, gần đây nhất là “Humpy the Whale” trong vụ tấn công quản trị của Compound hồi tháng 07/2024.
Vụ kiện của FTX nhằm thu hồi hàng trăm triệu USD mà Meerun đã chiếm đoạt qua các hành vi thao túng và giao dịch vi phạm điều khoản dịch vụ. FTX cũng tìm cách thu hồi gần 30 triệu USD từ các giao dịch mà Meerun thực hiện trong giai đoạn ưu tiên trước khi FTX phá sản
Đáng chú ý, mặc dù đã chiếm đoạt hàng trăm triệu USD, Meerun vẫn nộp đơn bồi thường trị giá 13 triệu USD còn lại sau khi FTX phá sản, thậm chí Meerun còn sử dụng chính tên, địa chỉ và thông tin KYC của mình. Đơn kiện đã kêu gọi tòa án bác bỏ hai yêu cầu phá sản mà ông ta đã nộp.
3. Storybook Brawl và Good Luck Game
Được biết đến là tựa game yêu thích thứ hai của Bankman-Fried, Storybook Brawl – một game thẻ bài chiến đấu tự động đã được FTX mua lại vào năm 2022. Tuy nhiên, FTX đã đệ đơn kiện Good Luck Games (GLG) – nhà phát triển Storybook Brawl được dẫn dắt bởi anh em kết nghĩa và bạn thời thơ ấu của Bankman-Fried với cáo buộc “vẽ vời” dự án để rút ruột sàn giao dịch.
Dù Storybook Brawl chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm beta, GLG vẫn vô tư nhận tiền từ FTX cho đến khi sàn giao dịch này phá sản. Thậm chí, họ còn “bỏ túi” thêm 2 triệu USD tiền lương và thưởng trong vòng 8 tháng, gấp đôi mức lương ban đầu.
Sau khi FTX sụp đổ, GLG đã đề nghị mua lại Storybook Brawl với giá 1,4 triệu USD nhưng bị FTX từ chối. Dự án chính thức “chết yểu” vào tháng 04/2023. Giờ đây, FTX đang đòi GLG hoàn trả hơn 24 triệu USD, số tiền đã bị đầu tư vào game này.
4. Jean Chalopin và Deltec Bank
Bên cạnh đó, FTX còn “nhắm” vào Jean Chalopin – Chủ tịch Deltec Bank với vụ kiện liên quan đến khoản đầu tư 11,5 triệu USD. FTX cho rằng, họ đã “bị lừa” khi đầu tư số tiền khổng lồ này để đổi lấy 10% cổ phần trong một công ty holding của Chalopin, sở hữu Farmington State Bank – một ngân hàng “tí hon” với giá trị vỏn vẹn 5,7 triệu USD.
Nói cách khác, FTX đã bỏ ra số tiền gấp đôi giá trị thực của ngân hàng chỉ để nắm giữ một phần nhỏ cổ phần.Sau khi nhận được khoản đầu tư từ FTX, Farmington đã đổi tên thành Moonstone, một ngân hàng hướng đến “tài chính thế hệ mới” và tích cực lôi kéo các doanh nghiệp tiền mã hóa.
Thậm chí, con trai của Chalopin còn được bổ nhiệm làm Giám đốc Kỹ thuật số.Tuy nhiên, “vở kịch” này nhanh chóng bị “lật tẩy” khi chính quyền liên bang tịch thu 50 triệu USD của FTX tại Moonstone.
Ngân hàng này sau đó đã cố gắng quay trở lại với tên gọi cũ Farmington nhưng không thể che giấu những vi phạm pháp lý trong quá trình hoạt động.FTX khẳng định khoản đầu tư của họ đã “mất trắng” hoặc bị mất giá nghiêm trọng và yêu cầu Chalopin hoàn trả 11,5 triệu USD.
Vụ kiện của Alameda Research chống lại nhà sáng lập Waves, đòi lại 90 Triệu USD
Ngoài các vụ kiện của FTX, Alameda Research, công ty chị em với sàn giao dịch FTX cũng đã đệ đơn kiện Aleksandr Ivanov, nhà sáng lập của Waves nhằm thu hồi 90 triệu USD.
Trong đơn kiện, Alameda cho biết đã gửi 80 triệu USDT và USDC vào nền tảng Vires.Finance trên blockchain Waves vào tháng 03/2022. Số tiền này được chuyển đổi thành khoảng 90 triệu USDN, tuy nhiên, Ivanov bị cáo buộc đã thực hiện các giao dịch để thao túng giá WAVES và cản trở nỗ lực thu hồi tài sản của Alameda.
Đơn kiện nhà sáng lập Waves diễn ra chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Alameda Research đệ đơn kiện sàn KuCoin, đòi thu hồi hơn 50 triệu USD tài sản đang bị khóa. Trước đó, FTX cũng đã đạt được thỏa thuận trong một vụ kiện tương tự với sàn giao dịch Bybit.
Tăng cường nỗ lực pháp lý để bảo vệ chủ nợ của FTX
Loạt vụ kiện này thể hiện quyết tâm của FTX trong việc thu hồi tài sản để đền bù cho các chủ nợ sau khi sàn giao dịch này sụp đổ. Thông qua việc đòi lại các khoản đầu tư đã mất và kiện các đối tác chiến lược, FTX sẽ trả đến 119% giá trị được yêu cầu cho 98% chủ nợ. Tuy nhiên, việc thanh toán sẽ dựa trên giá trị tài sản tại thời điểm FTX sụp đổ vào tháng 11/2022, chứ không phải theo giá trị thị trường hiện tại.
Hồi đầu tháng này, cựu CEO Alameda Research – Caroline Ellison – đã đồng ý giao nộp phần lớn tài sản còn lại để bồi thường cho các chủ nợ FTX, đồng thời cam kết hợp tác điều tra liên quan đến FTX. Những bước tiến tích cực trong quá trình hoàn trả của FTX đã khiến nhiều nhà phân tích lạc quan về khả năng tăng trưởng của thị trường crypto trong Q4/2024.
Giá FTT hiện đang được dao động quanh mức 2,1 USD, tăng hơn 11% trong 24 giờ qua,
Đồ thị 4h của cặp FTT/USDT trên sàn Binance vào 05:00 PM ngày 11/11/2024
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
Comments (No)