Khi thị trường bùng nổ trở lại, hoạt động giao dịch sôi động hơn, thì sự thay đổi về giá của các loại tiền mã hoá là dễ dàng nhận thấy. Nhưng trong một tuần đổ lại đây, câu chuyện đang được cộng đồng Twitter bàn tán xôn xao lại là về stablecoin và lãi suất hiện tại của dạng token này. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng đảo qua một vài ghi chú, những gạch đầu dòng quan trọng về câu chuyện này anh em nhé!
Lãi suất stablecoin trên các nền tảng DeFi liệu có đang hợp lý?
Lãi suất stablecoin trên các nền tảng
Đầu tiên, hãy cùng theo dõi một vài con số đáng chú ý trong tuần qua về stablecoin anh em nhé!
Dù có chút sai khác và nhầm lẫn trong hiển thị về chỉ số APR (lãi đơn) và APY (lãi kép), nhưng con số lãi suất xấp xỉ 40% để thế chấp các đồng tiền mã hoá và vay stablecoin trên Curve Finance là một điều rất đáng chú ý.
APY vs APR pic.twitter.com/WO22WNQIOb
— curvecap.lens (@CurveCap) March 11, 2024
Thậm chí có lúc, nền tảng này còn ghi nhận mức lãi vay lên đến 90%. Đơn vị này thậm chí còn đăng tải dòng Tweet để khuyến nghị người dùng của mình lưu ý khi thực hiện các khoản vay trên Curve Finance.
Sers, please double-check if you want to keep nearly 100% APR for that degen long pic.twitter.com/IqPsbuDVFb
— Curve Finance (@CurveFinance) March 11, 2024
Một nền tảng lending kì cựu khác là Compound cũng gặp trường hợp tương tự cho thị trường USDC. Thậm chí stablecoin này còn mấp mé tình trạng bị vay cạn và ảnh hưởng đến khâu rút tài sản cho người nạp vào.
USDC market on Compound v3 is 99.82% utilized and only has $5M in liquidity, and offers 30% APR
Will we see failed withdrawals soon? pic.twitter.com/jUTF8uxYRA
— Mustafa Al-Bassam (@musalbas) March 11, 2024
Với các thị trường CEX và khó theo dõi hơn, lãi suất của USDT thường ở trên mức 20%, còn với USDC là xấp xỉ 15% trong 1 tuần đổ lại đây – giai đoạn thị trường hưng phấn khi Bitcoin lập đỉnh ATH mới.
Đâu là những nguyên nhân?
Đầu tiên dễ dàng nhận định, đó là thị trường tăng trưởng trở lại, do đó nhu cầu vay stablecoin để đòn bẩy các vị thế trong sóng tăng này là lớn hơn thường lệ, từ đó kéo theo lãi suất vay cao.
Tiếp đó, chúng ta thấy có xuất hiện một vài mô hình mới trong thị trường DeFi. Gần gũi nhất thì có thể kể đến Ethena với con số lãi suất vượt trội nhờ tích hợp mô hình Delta Neutral.
Một mô hình hạ tầng và không mấy liên quan mật thiết, nhưng cũng khiến cho dòng tiền bị thu hút đó là Staking và Restaking. Mình tạm tóm tắt lý do thứ hai này là vì những mô hình mới, tạo ra nhu cầu giao dịch mới.
Lý do thứ ba là một thuyết âm mưu, do cá nhân mình đặt ra (sẽ có những chỉnh sửa nếu có thêm thông tin chi tiết). Cá nhân mình cho rằng, do sự sai khác về vận hành của thị trường truyền thống và crypto, dòng tiền thông qua các quỹ ETF sẽ khó đi vào on-chain một cách tuần tự là: tiền mặt -> stablecoin -> Bitcoin. Thay vào đó, các đơn vị Prime Broker (đảm nhận vai trò tích luỹ Bitcoin cho quỹ ETF) sẽ phải vận dụng công cụ vay stablecoin (thậm chí là phái sinh) để quá trình tích luỹ trở nên bớt biến động và tiết kiệm chi phí hơn.
Con số này có bình thường?
Trước khi đi vào phần này thì mình cũng xin lưu ý với anh em đây là những góc nhìn cá nhân của tác giả. Toàn bộ nội dung sẽ không được xem là lời khuyên đầu tư. Do đó, mong anh em đọc phần này và xem nó như một góc nhìn tham khảo.
Funding rate
Trước tiên, chúng ta sẽ nhìn qua một thông số khác (không phải lãi suất) nhưng nó cũng phần nào thể hiện được “tâm lý” của thị trường – đó là Funding Rate. Dễ dàng nhận thấy, dù có mức giá kỷ lục mới, nhưng xét về Funding Rate, giai đoạn này vẫn chưa là gì so với giai đoạn tháng 03-04/2021.
Và như đã đề cập ở phần trên, lãi suất stablecoin tăng lên mạnh, một phần là do các hoạt động đòn bẩy. Nhưng điều chúng ta có thể “tạm” suy ra ở đây, đó là hoạt động đòn bẩy này đến nhiều từ spot, từ hoạt động trên các hệ sinh thái. Và các hoạt động này đóng góp vào đà tăng của giá thị trường nhiều hơn hiệu ứng các sản phẩm phái sinh (dựa theo so sánh về Funding Rate ở trên).
Do đó, dựa theo nền tảng lập luận này, cá nhân mình cho rằng mức lãi suất hiện tại là cao, song chưa tiệm cận đến vùng rủi ro lớn. Và mình xem đây như là hệ quả của một giai đoạn tăng trưởng trở lại của thị trường tiền mã hoá.
Vậy khi nào thì rủi ro về thanh khoản sẽ ngày càng lớn và liệu thị trường đã quên cơn đau về “khủng hoảng thanh khoản” trong vòng 6 tháng và 1 năm đổ lại đây?
Vốn hoá thị trường
Chúng ta sẽ tiếp tục đến với ý thứ hai, đó là câu chuyện vốn hoá stablecoin. Câu hỏi mình đặt ra cho phần này, đó là:
- Nếu lãi suất Tether trên các nền tảng xấp xỉ trên 20%;
- Vượt xa các trái phiếu chính phủ (xấp xỉ 5%);
- Trong khi tài sản bảo chứng của Tether cũng xấp xỉ 76% được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ;
Vậy vì sao dòng tiền từ thị trường truyền thống chưa đổ vào để hưởng mức chênh lệch lợi tức này, từ đó kéo lãi suất stablecoin về mức hợp lý hơn?
Câu hỏi này thú thật cá nhân mình cũng chưa trả lời được, nhưng có thể một phần do tâm lý e ngại của thị trường truyền thống về rủi ro của stablecoin, do đó họ cảm thấy mức chênh này chưa quá hấp dẫn.
Nhưng mình sẽ chủ động theo dõi nguồn cung của các stablecoin trong thời gian tới, để xem liệu có dòng tiền từ thị trường truyền thống có giúp kéo dãn nguồn cung cho stablecoin hay không?
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn thấy nguồn cung stablecoin dãn nở đều và thậm chí đã cán mốc 148 tỷ USD.
Nếu trường hợp lãi suất stablecoin liên tục ở mức cao, trong khi nguồn cung không liên tục nở ra, áp lực đè lên các tay chơi hiện tại trong thị trường sẽ ngày một lớn lên, từ đó những tác động tiêu cực lên thanh khoản của thị trường.
Mối liên hệ với các mảng thị trường khác
Ý thứ ba mà mình muốn đề cập, sẽ liên quan đến các mảng thị trường khác hơn là stablecoin. Đó là về các narrative đang hot trên thị trường hiện tại như Restaking, Airdrop hay thậm chí là cả ETF. Nếu các narrative này nguội và không có một câu chuyện mới để thế chỗ, nó sẽ có một tác động đến lãi suất của các stablecoin phổ biến hiện tại.
Điều này có thể dễ giải thích vì vốn các mảnh ghép tài chính luôn liên kết với nhau bằng một cách nào đó. Restaking liên quan đến các thị trường phái sinh và đòn bẩy. Ethena thì phụ thuộc nhiều vào dòng yield từ funding để tạo sức hút. Trong khi đó MakerDAO – DAI thì đang điều chỉnh để theo kịp các mô hình mới. Và nếu MakerDAO thay đổi mô hình sản phẩm, các stablecoin cơ như USDC hay USDT cũng sẽ chịu ảnh hưởng phần nào.
Do đó, phần này sẽ không phải là một dự đoán, mà nó cũng thiên về một chi tiết để theo dõi nhiều hơn. Nếu cơ bản các câu chuyện ít thu hút dần sự chú ý và lãi suất stablecoin ở ngưỡng cao như hiện tại, có thể chúng ta đang gặp một vấn đề gì đó.
Tạm kết
Trên đây là một vài thông tin cá nhân mình lượm nhặt được trong vài tuần đổ lại đây. Hi vọng nó sẽ hữu ích đâu đó cho anh em và giúp anh em có thêm góc nhìn để cân nhắc đưa ra quyết định cho cá nhân mình.
Và như mình đã đề cập ở trên, đây chỉ là góc nhìn cá nhân và không được xem là lời khuyên đầu tư.
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!
Comments (No)