Trong quá trình hình thành và phát triển, blockchain và bitcoin luôn là hai khái niệm được nhiều người gắn liền và lầm tưởng chúng là một. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy và nó còn nhiều điều thú vị đằng sau công nghệ tuyệt vời này. Vậy lịch sử blockchain và quá trình hình thành, phát triển của nó là gì? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Lịch sử blockchain: Quá trình hình thành và phát triển
Blockchain là gì?
Blockchain là một chuỗi các khối mà trong đó, các thông tin về giao dịch cũng như quyền sở hữu tài sản được lưu trữ bên trong các khối, chúng liên kết với nhau và tạo nên blockchain hoàn chỉnh nơi các bên thứ ba không thể tác động vào dữ liệu.
Công nghệ blockchain cũng có thể được xem như một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh tập hợp toàn bộ các thông tin được lưu trữ trên hệ thống vi tính. Các dữ liệu này có thể được theo dõi và truy vấn, đặc biệt là các thông tin có giá trị lớn như quyền sở hữu đất đai hoặc các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tài chính. Mỗi block sẽ sở hữu 3 thành phần chính: Nonce (số nguyên 32 bit), dữ liệu và một hàm băm (hash).
Các đặc điểm chính của blockchain
Các node liên kết
Để một blockchain được hình thành hoàn chỉnh cần có sự hiện diện của các node, chúng sẽ có 2 nhiệm vụ chính đó là giữ bản sao của giao dịch, chia sẻ thông tin và những node này hoạt động hoàn toàn độc lập trong việc xác minh dữ liệu.
Sự minh bạch
Blockchain là một cơ sở dữ liệu khép kín tức có nghĩa một khi dữ liệu của người dùng được đưa lên các block thì chúng sẽ không thể bị sửa đổi. Nếu muốn cập nhật thông tin thì phải tạo block mới thay vì ghi đè, từ đó đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.
Tính bảo mật cao
Mỗi block trong một blockchain đều mang một hash riêng biệt và được tiếp nối với hash của khối trước thông qua tham chiếu. Vì thế, nếu một người muốn tấn công vào blockchain để thay đổi thông tin là vô cùng khó do mỗi block khi bị thay đổi sẽ không chỉ tác động lên chính nó mà còn là toàn bộ các block ở phía sau.
Sự khác nhau giữa Bitcoin và blockchain
Không giống như lầm tưởng của nhiều người, blockchain và bitcoin là 2 thực thể tồn tại hoàn toàn riêng biệt và không phải là 1, chúng khác nhau dựa trên những đặc điểm nhận dạng như sau:
- Blockchain là một sổ cái phân tán, còn bitcoin là một loại tiền mã hoá mà không ngân hàng nào có thể kiểm soát. (tên blockchain Bitcoin; đồng tiền là bitcoin)
- BTC cần có blockchain để hoạt động trong khi blockchain thì có thể sử dụng nhiều loại tài sản khác.
- Bitcoin chỉ có thể giao dịch giới hạn 1 tài sản duy nhất đó chính bitcoin, trong khi đó, blockchain lại có thể giao dịch đa dạng tài sản.
Quá trình hình thành của blockchain
Lầm tưởng của nhiều người đó chính là nguồn gốc của blockchain bắt nguồn từ Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Nhưng thực chất khái niệm này đã tồn tại từ năm 1982 nhờ vào nghiên cứu của nhà mật mã học David Chum. Trong đề xuất của mình, ông đưa ra một ý tưởng về mạng lưới, trong đó các người dùng không cần phải biết đến nhân dạng hoặc tin tưởng lẫn nhau. Tiếp đó, năm 1991, Stuart Haber và W. Scott Stornetta tiếp tục phát triển ý tưởng này và thêm vào thuật ngữ Time Stamping, trong đó, họ tận dụng blockchain như một con ấn để xác minh tính chân thật và độ tin cậy về thời gian của tài liệu cụ thể.
Như đã nói ở trên, ý tưởng về một blockchain kết hợp Time Stamping để lưu trữ các văn bản đã ra đời, sau đó một năm, công nghệ này tiếp tục được tích hợp thêm Merkle Tree, cho phép các block có thể lưu trữ nhiều hơn 1 văn bản.
Theo thuật ngữ trong lập trình, Time Stamping là cụm từ ám chỉ một phương pháp công nhận hoặc ghi dấu mốc thời gian cụ thể. Time Stamping có thể hiểu đơn giản là cách để đóng băng thời gian của một lượng thông tin cụ thể, khiến những thay đổi sau đó hoàn toàn không còn ý nghĩa.
Merkle Tree là một dạng thức sắp xếp dữ liệu theo dạng cây với các lá cây là nơi chứa dữ liệu và hash. Nói một cách đơn giản, đây là cách phân tán dữ liệu, không tập trung chúng về một điểm mà giữ chúng ở những điểm khác nhau, từ đó hiện thực hoá sự phi tập trung.
Bên cạnh 2 thành phần trên, blockchain cần thêm một thứ nữa để có thể hoàn thiện công nghệ của mình đó chính là nghiên cứu về Reusable Proof of Work (RPoW) của Hal Finney. Ý tưởng đằng sau RPoW đó chính là giảm thiểu sức mạnh công nghệ cần thiết để tham gia vào mạng bằng việc tái sử dụng những thành tố cần thiết. Nhưng điều này chưa phải là lý do chủ yếu khiến RPoW trở thành một thành tố tiên quyết, với sự có mặt của RPoW, blockchain sẽ giải quyết được một bài toán hóc búa đó chính là Double Spending trong giao dịch. Đây là một lỗi vô cùng phổ biến khiến các giao dịch thành công nhưng không trừ tiền của người gửi mà thay vào đó giữ nguyên số dư khiến việc gian lận trở nên dễ dàng.
Sự ra đời của Bitcoin và những cột mốc của thị trường tiền mã hoá
Bitcoin Whitepaper, Genesis Block và giao dịch Bitcoin đầu tiên (2008 – 2009)
Ngày 31/10/2008, Bitcoin lần đầu được giới thiệu đến thế giới thông qua whitepaper của Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System bởi Satoshi Nakamoto. Trong đó, ông đề cập đến một mô hình hệ thống tiền tệ kỹ thuật số phi tập trung cho các giao dịch ngang hàng ứng dụng blockchain.
Ảnh chụp màn hình bài đăng của Satoshi Nakamoto trên diễn đàn vào ngày 31/10/2008
Ngày 03/01/2009, Satoshi Nakamoto khai thác “Genesis Block” (khối 0 hoặc khối 1) của Bitcoin. Nội dung của khối này đó chính là: “The Times 03/Jan/2009 Chancellor on brink of second bailout for banks”, đây là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên rực rỡ của tài chính phi tập trung.
Ngày 12/01/2009, Hal Finney nhận được 10 BTC từ Satoshi Nakamoto biến giao dịch này thành giao dịch P2P đầu tiên trong thị trường tiền mã hoá. Điều này đến từ việc ông là người đầu tiên sử dụng blockchain này và báo lỗi cho người tạo ra nó. Bên cạnh đó, Hal Finney cũng là thợ đào bitcoin đầu tiên trên thế giới ngoài người sáng tạo ra Bitcoin.
Giao dịch P2P đầu tiên giữa Hal Finney và Satoshi Nakamoto
Bitcoin Pizza Day (22/05/2010)
Nếu giao dịch đầu tiên giữa Satoshi Nakamoto và Hal Finney chứng minh blockchain Bitcoin có thể hoạt động thì một nhà phát triển phần mềm đã hiện thực hoá tính ứng dụng của nó. Vào ngày 22/05/2010, Laszlo Hanyecz đã đăng tải ý định kèm theo việc mua 2 chiếc pizza bằng 10.000 BTC (tương đương hơn 650.000.000 USD ở thời điểm hiện tại). Kể từ đó, ngày 22/05 hàng năm được lấy làm ngày Bitcoin Pizza Day, thời điểm cộng đồng tiền mã hoá toàn thế giới ăn mừng khoảnh khắc lịch sử của thị trường.
Bài đăng của Laszlo Hanyecz trên diễn đàn Bitcoin
Bài đăng cuối cùng của Satoshi trước khi biến mất (05/12/2010)
Trước khi Satoshi Nakamoto hoàn toàn biến mất, ông đã để lại bài đăng cuối cùng với nội dung liên quan đến Wikileaks. Tại thời điểm đó, diễn đàn này được cho là đã bị buộc phải đầu tư vào Bitcoin vì đã công bố các tài liệu mật của chính phủ Mỹ về các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Và những đồn đoán của cộng đồng đã đúng, tuy nhiên mãi về sau này, đây lại được cho là sự may mắn khi Julian Assange, nhà sáng lập của Wikileaks đã cảm ơn chính phủ Mỹ vì quyết định năm đó. Hiện tại khoảng đầu tư của Wikileaks đã tăng 50.000%.
Một trong những bài đăng cuối cùng của Satoshi là liên quan đến Wikileaks
Silk Road (2011 – 2013)
Tuy được xem là một trong những phát kiến vĩ đại của thế kỷ 21 nhưng lịch sử bitcoin và blockchain không hoàn toàn là màu hồng. Trong số 10 “vết nhơ” của bitcoin, Silk Road có lẽ là nốt trầm đen tối nhất trong lịch sử thị trường tiền mã hoá. Silk Road là một trang web chợ đen bán tất cả mọi thứ phi pháp, ở thời điểm đó, khách hàng được yêu cầu thanh toán bằng bitcoin nhằm lợi dụng tính ẩn danh và phi tập trung của nó để tránh tai mắt của chính phủ.
Trang web chợ đen Silk Road, nơi mọi người mua bán “hàng cấm” và thanh toán bằng BTC
Trong suốt hơn 2 năm tồn tại, chợ đen này đã giao dịch gần 9,9 triệu BTC trước khi bị FBI điều tra và buộc dừng hoạt động. Ước tính, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu gần 1 tỷ USD tiền BTC từ ví bitcoin lớn thứ 4 thế giới được cho là ví thuộc sở hữu của của Silk Road.
Trung Quốc cấm BTC lần đầu tiên (05/12/2013)
Ngày 05/12/2013 đánh dấu thời điểm lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cấm các đơn vị thanh toán sử dụng bitcoin và buộc dừng các hoạt động lưu ký, giao dịch và các dịch vụ liên quan. Những năm sau đó, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục đưa ra những chính sách nhắm vào tiền mã hoá ít nhất mỗi năm 1 lần. Đối với lần đầu tiên, giá BTC đã dump cực mạnh vì nỗi sợ của nhà đầu tư.
Trung Quốc cấm Bitcoin khiến giá dump mạnh” vào năm 2013
Mt. Gox (2013)
Năm 2013 có thể được xem là một trong những năm tháng huy hoàng nhất của Mt. Gox khi sàn giao dịch này xử lý lên đến 70% số lượng giao dịch BTC trên toàn thế giới. Nhưng càng phát triển thì Mt. Gox lại càng trở thành mục tiêu của hacker. Trong quý 1/2014, hacker đã cướp 840.000 BTC từ ví nóng của Mt. Gox khiến sàn giao dịch này khánh kiệt và phá sản không lâu sau đó, tiếp theo là hành trình dài đằng đẵng kiện, trả nợ và xả coin đình đám.
Mt. Gox đến tận ngày nay vẫn chưa bồi thường hết số tiền người dùng đã bị thất thoát
Ethereum (ETH) ra đời (07/2015)
Sau sự ra mắt của blockchain đầu tiên và bitcoin, cộng đồng tiền mã hoá chia thành 2 phe rõ rệt:
- Những người tập trung vào khía cạnh tài chính thì mong đợi vào một mô hình kinh tế, tài chính không biên giới, tự chủ, phân quyền và bảo mật. Bên cạnh đó, những người này còn quan tâm đến tiềm năng của bitcoin có thể thay đổi và đảo chiều sự phân phối quyền lực vào tay người dùng.
- Những nhà phát triển thì lại là những người bị mắc kẹt trong việc cố tạo ra biến thể hoặc đơn giản hơn là bổ sung tính năng. Lý do của việc này đó chính là Satoshi Nakamoto không sử dụng ngôn ngữ lập trình hoàn chỉnh Turing nên không thể đáp ứng việc triển khai các chức năng một cách linh hoạt.
Hầu hết các nỗ lực cải thiện Bitcoin đều không có kết quả vì giới hạn trong cơ sở hạ tầng của nó. Nhưng khi đó, một thiếu niên 19 tuổi tên Vitalik Buterin lại không chịu khuất phục trước khó khăn này. Thay vì đi theo lối mòn là cố gắng cải thiện, mở rộng blockchain này, Vitalik Buterin đã tạo ra một blockchain hoàn toàn mới mang tên Ethereum năm 2013. Đến tháng 07/2015, Ethereum phát hành phiên bản beta và đem đến một bộ mặt mới cho hệ thống khi hoạt động trên công nghệ Hợp Đồng Thông Minh (smart contract). Từ đó đến nay, Ethereum từ một blockchain Proof of Work đã chuyển sang Proof of Stake và đã trải qua 7 lần nâng cấp gồm: The Merge, The Surge, The Scourge, The Verge, The Purge, The Splurge và Dencun.
Ethereum Classic (ETC) và Bitcoin Cash (BCH) ra đời
Sau khi ra đời và hoạt động một khoảng thời gian ngắn, cả Bitcoin và Ethereum đều đã trải qua những thay đổi đáng kể mà hầu hết đều đến từ việc đáp ứng yêu cầu của cộng đồng.
Đầu tiên đó chính là sự ra đời của Ethereum Classic (ETC), tuy nhiên, không đơn giản như Bitcoin Cash (BCH), câu chuyện đằng sau bản fork này lại rất dài. Cụ thể, sau hard fork lần 1, Ethereum Classic vẫn là blockchain giống với bản gốc và toàn bộ các hoạt động trên Ethereum vẫn còn hiệu lực với blockchain của Ethereum Classic. Nhưng đến bản hard fork thứ 2, tại khối thứ 1.920.000 của Ethereum được tiến hành nhằm hoàn trả lại toàn bộ số tiền trong quỹ DAO của các nhà đầu tư bị lấy cắp thì 2 blockchain này đã hoàn toàn trở nên độc lập.
Tiếp theo đó là sự ra đời của Bitcoin Cash (BCH), lý do cho sự có mặt của bản fork này đó chính là việc mỗi block chỉ có giới hạn 1MB (tương đương 3 giao dịch mỗi giây) và khi bitcoin dần trở nên phổ biến thì tốc độ này không thể chịu đựng được lượng giao dịch khổng lồ từ đó liên tục bị tắc nghẽn. Do đó, để giải quyết vấn đề, bản hard fork mang tên Bitcoin Cash đã ra đời và gây tranh cãi trong cộng đồng tiền mã hoá một khoảng thời gian dài.
Vụ việc giữa Gavin Wood và ETH
Để chúng ta có một Ethereum như ngày nay, bên cạnh Vitalik Buterin thì chúng ta có thêm Gavin Wood, dưới sự kết hợp của cả 2, Ethereum đã phát triển từ một dự án nhỏ bé thành một hệ sinh thái lớn mạnh như hiện nay. Tuy vậy, Gavin Wood đã rời khỏi dự án không lâu sau đó và thành lập nên Polkadot (DOT), một cái tên vô cùng tiếng tăm trên thị trường.
Gavin Wood – bộ não đằng sau nền tảng Ethereum và Polkadot. Nguồn: Kyros Ventures
Vụ hack Parity (11/2017)
Tháng 11/2017, từ một lỗ hổng nghiêm trọng trong ví multi-sig (ví đa chữ ký) Parity, hậu quả 150.000 ETH đã bị đánh cắp từ lỗ hổng này.
Mô hình ponzi lớn nhất lịch sử BitConnect (BCC) (01/2018)
Đối với những những nhà đầu tư tồn tại lâu trong thị trường, BitConnect (BCC) có lẽ là cái tên để lại nhiều ký ức nhất đối với người dùng. Điều đó không những đến từ việc vốn hoá đạt 2,6 tỷ USD ở thời điểm đỉnh cao mà đó còn là sự sụp đổ vô cùng nhanh chóng kéo theo hàng triệu nhà đầu tư. Dù chỉ mới tồn tại 15 tháng nhưng sàn giao dịch này đóng cửa trong 5 ngày với mức giá rớt thảm hại từ 432 USD xuống chỉ còn 0,68 USD.
Thứ sáu đen tối (13/03/2020)
Vào ngày 11/03/2020, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, bitcoin nói riêng và thị trường crypto nói chung đã có một ngày “Thứ Sáu đen tối” với những cú giảm cực mạnh.
Yield Farming (mùa hè 2020)
Yield Farming là khái niệm mở màn cho một mùa DeFi vô cùng thắng lợi của thị trường cryptocurrency. Tháng 06/2020, Compound ra mắt đồng token quản trị COMP, được phân phối thông qua Yield Farming – định nghĩa khái niệm hoàn toàn mới với thị trường crypto.
MicroStrategy bắt đầu mua Bitcoin (11/08/2020)
Vào ngày 11/08/2020, MicroStrategy thông báo đã dùng 250 triệu USD để mua 21.454 BTC đánh dấu bước chân đầu tiên của một công ty đại chúng trên thị trường tiền mã hoá. Tính đến thời điểm viết bài, MicroStrategy đã thực hiện DCA gần bốn chục lần với mức giá trung bình 33,928 USD. Tổng cộng, MicroStrategy đã dùng hơn 6 tỷ USD để sở hữu 205.000 BTC và hiện số tiền này đã lãi hơn 2 lần tương đương 13.58 tỷ USD.
Thống kê lịch sử mua Bitcoin của MicroStrategy. Nguồn: Saylor Tracker (19/03/2024)
Uniswap (UNI) airdrop (17/09/2020)
Ngày 17/09/2020 có thể nói là một trong những ngày vui nhất thị trường tiền mã hoá khi sàn DEX Uniswap thực hiện airdrop cho người dùng. Cụ thể, mỗi tài khoản thực hiện giao dịch trên Uniswap trước ngày 01/09/2020 sẽ được tặng 400 UNI, ước tính đã có hơn 126 triệu UNI đến tay người dùng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của sự kiện này đó chính là nó đã mở ra một trào lưu mới khi người dùng đổ xô trải nghiệm tính năng, sản phẩm của các dự án để nhận thưởng.
Elon Musk và Bitcoin (quý 1/2021)
Đầu năm 2021 được cho là một trong những cuộc mở màn của mùa bull run rực rỡ của thị trường tiền mã hoá, điều này đến từ việc Tesla, hãng xe điện của Elon Musk thông báo đầu tư 1.5 tỷ USD vào bitcoin ngay trong đầu năm.
Không những thế, hãng xe này còn thông báo sẽ chấp nhận thanh toán bằng BTC tại Mỹ, sau tin tức này thị trường như bùng nổ, cụm từ khoá “Tesla, Elon Musk, Bitcoin” xuất hiện trên hầu hết các trang báo. Chỉ sau 14 ngày mua BTC, Tesla đã thu về hơn 1 tỷ USD vượt xa lợi nhuận bán xe của hãng. Nhưng chỉ 3 tháng sau đó, Elon Musk bất ngờ “quay xe” với BTC vì vấn đề ô nhiễm môi trường và Tesla ngừng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin khiến giá BTC lao dốc.
Quý 1 của thị trường tiền mã hóa ngập tràn dấu ấn từ CEO Tesla. Nguồn: Kyros Ventures
Beeple và NFT (11/03/2021)
Ngày 11/03/2021, tác phẩm nghệ thuật NFT của Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD tại sàn đấu giá danh tiếng Christie’s. Dù có nhiều lùm xùm xoay quanh thương vụ này, NFT chính thức lên sóng sau sự kiện này, để rồi chúng ta chứng kiến cơn sốt NFT chưa từng có trong lịch sử.
Trung Quốc cấm đào Bitcoin (09/2021)
Năm 2021 đánh dấu lần tiếp theo Trung Quốc đưa ra các quyết định cấm vận đối với bitcoin và lần này là việc nghiêm cấm các hoạt động đào BTC. Việc này không những khiến hashrate giảm mạnh mà còn khiến giá bitcoin giảm sâu.
Lệnh cấm đào ở Trung Quốc làm giá BTC giảm mạnh – ghi danh vào top những lần điều chỉnh giá trong năm 2021. Nguồn: Kyros Ventures
El Salvador bắt đầu mua Bitcoin (12/09/2021)
El Salvador, một quốc gia ở Trung Mỹ là đất nước đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm phương thức thanh toán hợp pháp vào ngày 12/09/2021. Tính đến hiện tại, El Salvador đã có 12 lần mua bitcoin ở mức giá trung bình là 42.667 USD, khoản đầu tư này đang có trị giá 375.930.940 USD (tương đương 5.693 BTC).
Thống kê lịch sử mua Bitcoin của El Salvador. Nguồn: Nayib Tracker (19/03/2024)
Bitcoin lập đỉnh tháng 11/2021 ở 69.000 USD
Trên đà tăng trưởng của thị trường tiền mã hóa, nhờ nhiều xu hướng vĩ mô ủng hộ, bitcoin ghi nhận mức đỉnh ATH năm 2021 ở 69.000 USD vào ngày 10/11.
LUNA-UST và Do Kwon (giữa tháng 05/2022)
Giai đoạn đầu đến giữa tháng 05/2022 có lẽ là một trong những dấu mốc khó quên đối với cộng đồng khi cú sập của LUNA-UST khiến không những thị trường tiền mã hoá mà cả thị trường truyền thống rung chuyển. Ước tính thiệt hại của vụ việc này đã cuốn đi hàng tỷ USD khỏi thị trường.
Về phần Do Kwon, với tư cách là người đứng đầu của Terraform Labs là cá nhân được cho là phải chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc. Tuy nhiên, nhân vật này liên tục né tránh các lệnh triệu tập từ chính quyền Hàn Quốc, trốn khỏi Singapore và được cho là ẩn náu tại Serbia, quốc gia có đường biên giới với Montenegro.
Sau khi bị giới chức Hàn Quốc huỷ hộ chiếu và ra lệnh bắt giữ, Do Kwon đã dùng hộ chiếu giả để xuất cảnh, dẫn đến việc bị giới chức Montenegro bắt giữ vào tối ngày 23/03/2023. Cập nhật mới nhất về vụ việc, ngày 05/03/2024 vừa qua, Tòa án Tối cao Montenegro đã bác bỏ quyết định dẫn độ nhà đồng sáng lập Terraform Labs Do Kwon về Mỹ.
Three Arrows Capital khơi mào cuộc “khủng hoảng thanh khoản” và chuỗi phá sản 2022-2023
Sau sự đổ sập của LUNA-UST, quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC) liên tục thể hiện những dấu hiệu đáng ngờ dấy lên sự bất an trong cộng đồng. Đỉnh điểm, khi vụ việc stETH bị depeg và Alameda – Celsius diễn ra hiệu ứng dây chuyền đã đánh dấu kết thúc cho 3AC cùng 2 nhà sáng lập của nó là Zhu Su và Kyle Davies.
Tuy nhiên, điểm dừng của chuỗi domino lại không chỉ ở đó mà nó còn lây lan mạnh mẽ, trở thành một chuỗi “khủng hoảng thanh khoản” trên thị trường. Từ đó, kèm theo sự trầm lắng và điều kiện không thuận lợi của thị trường, hàng loạt những cái tên lớn khác trên thị trường cũng đã sụp đổ (Voyager, Celsius, FTX, BlockFi, Gemini, Prime Trust,…)
Tornado Cash và lệnh trừng phạt từ Mỹ (08/2022)
Quý 3 năm 2022, Mỹ bất ngờ liệt website Tornado Cash vào danh sách trừng phạt với lý do tổ chức đứng sau có dính dáng đến hoạt động rửa tiền. Chỉ vài ngày sau quyết định trên, 2 nhà sáng lập của Tornado Cash lần lượt bị bắt giữ tại Hoa Kỳ và Hà Lan.
FTX, Alameda và Sam Bankman-Fried (11/2022)
Tiếp nối sự sụp đổ của LUNA-UST và quỹ 3AC, FTX và Alameda Research được cho là vụ việc chấn động nhất của thị trường tiền mã hoá. Sam Bankman-Fried từ một người được ca tụng với những mỹ từ như tài năng, giản dị lại trở thành kẻ tội đồ lớn nhất của thị trường crypto.
Hậu quả, FTX phá sản và sau khi Sam Bankman-Fried hầu tòa để chờ đợi bản án thích đáng thì cả năm 2023, dàn lãnh đạo mới của sàn này phải giải quyết toàn bộ hậu quả như kiện cáo tranh chấp tài sản và giải quyết các yêu cầu trả nợ của người dùng.
Ethereum chuyển đổi từ PoW sang PoS sau nâng cấp The Merge (09/2022)
Ngày 15/09/2022 đánh dấu một bước tiến mới sau khi Ethereum hoàn thành nâng cấp The Merge và chính thức chuyển đổi từ PoW sang PoS. Sau nâng cấp này, vai trò của các miner sẽ không còn và được thay thế bằng validator, phần thưởng của các validator trên PoS cũng sẽ thấp hơn phần thưởng cho các miner.
Hong Kong mở cửa (06/2023)
Giữa năm 2023, Hong Kong mở cửa với crypto, chính thức hợp pháp hóa việc giao dịch tiền mã hoá tại đây kèm theo các chính sách thúc đẩy thị trường. Đây được xem là nước đi vô cùng chiến lược khi Hong Kong có thể trở thành điểm trung chuyển tiền tệ từ Trung Quốc vào thị trường tiền mã, nơi đang thiếu động lực tại thời điểm đó. Không những thế, chính quyền tại đây còn đưa ra những chính sách khiến cộng đồng vô cùng hứng khởi khi chủ động mời gọi Coinbase đến thúc giục các ngân hàng lớn nhanh mở tài khoản cho sàn crypto.
CZ từ chức, đối mặt án tù và mức phạt 4,3 tỷ USD của Binance (11/2023)
Trong năm 2023, Binance có thể nói là một trong những mục tiêu lớn nhất của giới hành pháp Mỹ, dù đã từng tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng nhưng ngày 22/11/2023, sàn giao dịch lớn nhất thị trường tiền mã hoá đã nhượng bộ và chấp nhận mức phạt 4,3 tỷ USD để khép lại cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp Mỹ, kèm theo mức phạt này là điều khoản nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) phải từ chức. Tuy nhiên, nếu so sánh sự “ngã ngựa” của CZ với Sam Bankman-Fried và Do Kwon thì Changpeng Zhao lại được xem là người chiến thắng. Cụ thể, dù phải trình diện trước tòa án Seattle và nhận tội danh “không áp đặt quy định chống rửa tiền” kèm theo việc nộp 175 triệu USD để tại ngoại và chờ xét xử nhưng những điều CZ phải nhận có thể sẽ “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với 2 nhân vật trên.
ETF Bitcoin spot (10/01/2024)
Trong năm 2023, các định chế tài chính truyền thống lớn không còn đứng ngoài cuộc mà thay vào đó là các nỗ lực nhằm thâm nhập thị trường tiền mã hoá thông qua các đề xuất ETF spot. Tuy nhiên, SEC vẫn giữ nguyên lập trường và không phê duyệt cho bất cứ đề xuất nào trong suốt năm ngoái.
Mặc dù đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan nhưng cuối cùng vào ngày 10/01/2024, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã chính thức phê duyệt ra mắt 11 quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin spot của các ông lớn phố Wall, trong đó bao gồm Ark Invest, BlackRock, Bitwise, VanEck, WisdomTree, Invesco & Galaxy, Fidelity và Valkyrie. Trong ngày đầu tiên, các ETF Bitcoin spot đã ghi nhận mức volume giao dịch ấn tượng, điều này phần nhiều đến từ nhu cầu giao dịch của các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán Mỹ đối với sản phẩm này.
Theo BitMEX Research, dòng tiền đổ vào 11 ETF Bitcoin spot trong ngày 12/01/2024 là 655 triệu USD và kết thúc ngày đầu tiên, con số này đã tăng lên 4,6 tỷ USD với hơn 700.000 tài khoản, trong đó, GBTC của Grayscale nắm giữ vị trí đầu với 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của James Seyffart từ Bloomberg, phần lớn volume của Grayscale đều đến từ các giao dịch bán của các nhà đầu tư cổ phiếu quỹ này để xoay vốn sang ETF. Xếp ngay sau Grayscale là IBIT của BlackRock và FBTC của Fidelity, với khối lượng giao dịch lần lượt là 1 tỷ USD và 721 triệu USD. Các quỹ ETF còn lại thì có volume dưới 300 triệu USD.
Tính đến ngày 15/03/2024, ETF Bitcoin spot của BlackRock là IBIT đang nắm giữ hơn 228.613 Bitcoin, đây là một trong những tổ chức đang nắm giữ nhiều Bitcoin nhất thế giới vượt qua MicroStrategy (205.000 BTC).
Thống kê lượng BTC đang được nắm giữ bởi các tổ chức. Nguồn: HODL15Capital
Có thể nói, ETF Bitcoin spot là một bệ phóng cho sự tăng giá của Bitcoin trong năm nay. Đồng coin có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường đã lần đầu tiên vượt qua ATH cũ và thiết lập mốc mới là 72.200 USD ngày 11/03/2024.
Tổng kết
Bên trên là toàn bộ thông tin về lịch sử của Bitcoin cũng như những cột mốc đáng nhớ của thị trường tiền mã hoá. Thông qua bài viết, hy vọng Coin68 đã mang đến cho người đọc những góc nhìn tổng quan về toàn bộ những điều đã diễn ra với tiền mã hoá trong thời gian vừa qua.
Lưu ý: Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn. Chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này!
Comments (No)