Hệ sinh thái Bitcoin đang giãn nở với tốc độ rất nhanh chóng kể từ sau sự ra đời của giao thức Ordinals. Mỗi sáng kiến mới đều đi kèm với những ưu điểm và hạn chế của riêng nó, nhưng quan trọng hơn hết, ngoài lợi ích mang lại nó cần được sự chấp nhận của cộng đồng. Và dường như Runes đang triển khai khá tốt việc này.
Runes Protocol – Giao thức fungible token trên Bitcoin của nhà sáng lập Ordinals
Sự ra đời của Runes Protocol
Giao thức Ordinals bởi Casey Rodarmor là một trong những phát kiến có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với mạng lưới Bitcoin. Nhiều phong trào bùng nổ mạnh mẽ dựa trên giao thức này như Fully on-chain NFT, Inscription, Layer 2 nhưng đặc biệt nhất là nhóm các dự án Fungible Token một làn sóng mới mẻ chưa từng có cho hệ sinh thái Bitcoin.
Số lượng Inscription trên mạng lưới Bitcoin có sự tăng trưởng mạnh. Nguồn: Dune Analytics
Kể từ khi ra đời mạng lưới Bitcoin chỉ có một đồng token duy nhất là Bitcoin (BTC), ngôn ngữ lập trình đơn giản không cho phép tạo thêm các token khác. Nhưng Ordinals đã mở ra cánh cửa cho việc phát hành fungible token, nhiều giao thức đã được ra đời trong giai đoạn 2023. Nổi bật nhất phải kể đến là BRC-20, ARC-20, ORC-20, ORC-CASH, SRC-20 hoặc cũ hơn là các giải pháp như RGB, Counterparty, Omni Layer, Taproot Assets.
Đồng ý rằng các giải pháp mới này đang khiến hệ sinh thái Bitcoin trở nên sôi động hơn nhưng cũng có những luồng ý kiến trái chiều cho rằng mạng lưới đang bị spam, những nội dung rác hay không cần thiết vẫn được tải lên hàng ngày, nó làm tăng gánh nặng phần cứng cho miner và cả chi phí giao dịch của người dùng thông thường.
Ngay cả nhà sáng lập giao thức Ordinals trong một bài blog của ông cũng đồng tình với quan điểm này, ông nhấn mạnh rằng 99% fungible token trên mạng lưới Bitcoin là lừa đảo và meme, nhưng chúng sẽ không sớm biết mất và vì vậy mạng lưới sẽ phải tiếp tục chịu sự phân mảnh UTXO một cách không cần thiết.
Xuất phát từ những hạn chế này nhà sáng lập Ordinals đã tìm cách giải quyết bằng việc phát triển một giao thức fungible token hoàn toàn mới giúp tối ưu hoá sự phân mảnh này. Và như vậy, giao thức fungible token trên mạng lưới Bitcoin mang tên Runes được ra đời.
Runes Protocol là gì?
Runes Protocol là giao thức phát hành các fungible token trên mạng lưới Bitcoin được tạo ra bởi Casey Rodarmor – người sáng lập nên giao thức Ordinals nổi tiếng.
Được giới thiệu lần đầu vào tháng 09/2023, cho tới hiện tại Runes vẫn đang ở phiên bản thử nghiệm và dự kiến mainnet vào đúng sự kiện Bitcoin Halving ở block 840,000 trong tháng 04/2024 tới đây.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Runes Protocol với các giao thức phát hành fungible token khác nằm ở việc sử dụng mô hình UTXO mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây trong phần cơ chế hoạt động.
Cơ chế hoạt động của Runes Protocol
Trước khi đến với mô hinh hoạt động của Runes thì bạn cần biết về UTXO trên mạng lưới Bitcoin. Khác với đa số blockchain ngày nay, Bitcoin sử dụng mô hình UTXO thay vì Account Based.
UTXO – Unspent Transaction Output
Là mô hình hoạt động tương tự tiền mặt, trong đó mỗi UTXO là một chứng nhận số dư trên mạng lưới. Mỗi địa chỉ có thể sở hữu nhiều UTXO với các giá trị khác nhau, khi cần chi tiêu họ sẽ sử dụng các UTXO này để làm đầu vào giao dịch, sau đó nó sẽ trở thành Spent Transaction Output (không thể sử dụng làm đầu vào nữa) và cho ra các UTXO mới.
Để hiểu đơn giản hơn bạn có thể hình dung khi sử dụng các giấy chứng nhận số dư để chi tiêu, nó sẽ bị “xé” đi ngay sau đó và cấp cho các bên liên quan những giấy chứng nhận số dư mới. Mô hình này mạnh mẽ trong việc chống lại các cuộc tấn công double spending (chi tiêu hai lần).
Account Based
Là mô hình hoạt động như các tài khoản ngân hàng, theo đó bạn sở hữu cho mình một tài khoản với số dư bên trong. Người dùng có thể chuyển nhận với số tiền bất kỳ họ sở hữu mà không cần đưa toàn bộ “chứng nhận số dư” ra để tạo thành các chứng nhận số dư mới.
Mô hình hoạt động của UTXO và Account-based model
BRC-20 hoạt động dựa trên giao thức Ordinals, mỗi giao dịch khắc số dư của nó tạo ra các UTXO mới, do vậy khi số lượng token và giao dịch BRC-20 ngày càng nhiều lên thì ngày càng có nhiều UTXO được tạo ra, chính điều này làm cho mạng lưới bị spam. Hơn nữa các dữ liệu về token của BRC-20 được lưu trữ trong phần Witness Data chứ không phải trong UTXO.
Theo nhà sáng lập Ordinals, các giải pháp cho fungible token trên mạng lưới Bitcoin cần xem xét các câu hỏi sau:
- Độ phức tạp: Mức độ phức tạp của giao thức? Có dễ thực hiện không? Có dễ dàng áp dụng không?
- Trải nghiệm người dùng: Có bất kỳ chi tiết nào tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng không? Đặc biệt với các giao thức sử dụng off-chain data cùng với on-chain footprint (dấu chân trên chuỗi) nhẹ hơn nhưng có mức độ phức tạp cao.
- Mô hình trạng thái (state model): Các giao thức dựa trên UTXO phù hợp tự nhiên hơn với Bitcoin và thúc đẩy việc giảm thiểu số lượng UTXO bằng cách tránh tạo ra các UTXO rác.
- Native token: Các giao thức có native token sử dụng cho hoạt động của giao thức thường cồng kềnh, mang tính khai thác và đương nhiên ít được áp dụng rộng rãi hơn.
Runes Protocol tạo sự khác biệt với toàn bộ phần còn lại bằng cách lưu trữ dữ liệu vào chính UTXO, cụ thể hơn là trong đoạn mã OP_RETURN. Một UTXO có thể lưu trữ một hoặc nhiều token với số lượng khác nhau và như thế giúp việc quản lý các bộ UTXO hiệu quả hơn. Thêm vào đó, việc loại bỏ đi những phần data bổ trợ giúp hệ thống tăng cường hiệu suất và khiến token “on-chain hơn”.
Cũng chính vì sử dụng mô hình UTXO cho giao thức của mình mà Runes trở nên thân thiện hơn với người dùng, việc sử dụng các runes token sẽ tương tự như các giao dịch Bitcoin thông thường. Đồng thời nó cũng tương thích với các mạng lưới mở rộng dựa trên UTXO như Lightning Network từ đó mở rộng tính ứng dụng nhiều hơn cho hệ sinh thái Runes Protocol.
Bạn có thể tìm hiểu thêm các chi tiết kỹ thuật trong bài blog của Casey tại đây.
Dưới đây là bảng so sánh Runes Protocol và BRC-20.
Bảng so sánh Runes và BRC-20. Nguồn: Xverse Wallet
Tóm tắt lại một số điểm nổi bật của Runes Protocol như sau:
-
Cấu trúc dựa trên UTXO
-
Không yêu cầu dữ liệu ngoài chuỗi
-
Tối ưu hoá lượng UTXO rác
-
Tăng cường hiệu suất giao dịch
-
Thân thiện với người dùng và nhà phát triển
-
Lưu trữ và phân bổ số dư linh hoạt
Ngay từ những ngày đầu được giới thiệu Runes đã nhận được luồng phản hồi tích cực từ cộng đồng, một phần vì những đặc tính ưu việt của nó, một phần bởi vì nó được tạo ra bởi chính nhà sáng lập giao thức Ordinals danh tiếng.
Chỉ vài ngày sau đó, Luminex cũng giới thiệu công cụ phát hành token theo tiêu chuẩn Runes cho phép người dùng tạo token của riêng họ.
1/ 📢📢 Announcement: Luminex is pleased to unveil our Runes Issuance Tool, streamlining the process of Runes Token Creation on Bitcoin.
Learn more: https://t.co/Ca9y3cMxbT pic.twitter.com/sHp8ITLyQe
— Luminex (@luminexio) September 27, 2023
Nhiều nhà đầu tư cũng lên tiếng ủng hộ và mong muốn được đầu tư cho giao thức.
Open $100k investment offer in upcoming @BTCFrontierFund accelerator for first team who can get a working (not terrible) Rune indexer, issuance and/or transfer app, up live and running
Don’t make the tickers required to be unique, will be a shit show
DM me. Serious offer. pic.twitter.com/6W0IwlhB9x
— trevor.btc (@TO) September 26, 2023
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Runes Protocol vẫn đang ở giai đoạn phát triển, phiên bản chính thức sẽ được mainnet vào đúng Halving Block trong tháng 4 tới đây.
Lời kết
Hệ sinh thái Bitcoin đang giãn nở với tốc độ rất nhanh chóng kể từ sau sự ra đời của giao thức Ordinals. Mỗi sáng kiến mới đều đi kèm với những ưu điểm và hạn chế của riêng nó, nhưng quan trọng hơn hết, ngoài lợi ích mang lại nó cần được sự chấp nhận của cộng đồng. Và dường như Runes đang triển khai khá tốt việc này. Chúng ta sẽ được trải nghiệm nhiều hơn ở phiên bản chính thức thời gian tới đây để đưa ra những nhận xét chính xác hơn.
Trên đây là các thông tin về Runes Protocol giao thức phát hành fungible token trên mạng lưới Bitcoin, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.
Kudō
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
Comments (No)