Sau khi John Bogle, nhà sáng lập huyền thoại của quỹ đầu tư nghìn tỷ USD Vanguard qua đời thì công ty này đã trải qua ít nhất 3 đời CEO với hàng nghìn thử thách trong giới quản lý quỹ. Nhưng hiện tại, giám đốc điều hành đời thứ 4 của quỹ là Tim Buckley lại phải đối mặt với thử thách hoàn toàn khác với 3 người trước đó. Vậy Tim Buckley là ai? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Tim Buckley là ai? Tiểu sử CEO của Vanguard
Tim Buckley là ai?
Tim Buckley là giám đốc điều hành đời thứ 4 của Vanguard, công ty quản lý quỹ lớn thứ 2 thế giới với 4,4 nghìn tỷ USD tài sản trải dài toàn cầu. Nhiệm vụ chính của Tim Buckley chính là kế hoạch hoá và giám sát sự chuyển động của khối tài sản này, ngoài ra vị CEO còn chịu trách nhiệm về khoản tiết kiệm của hơn 20 triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Chân dung Tim Buckley
Tim Buckley (tên đầy đủ: Mortimer Joseph “Tim” Buckley) sinh năm 1969 tại Boston, Massachusetts, Mỹ trong một gia đình nhập cư từ Ireland tương đối khá giả. Cha của ông, tiến sĩ Mortimer John Buckley là trưởng đơn vị phẫu thuật tim của bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston. Tim Buckley học trung học tại trường Belmont Hill ở Belmont, sau đó, ông lấy bằng Cử nhân Kinh tế năm 1991 tại Đại học Harvard và bằng MBA tại trường Kinh doanh Harvard năm 1996.
Sự nghiệp của Tim Buckley
Sau khi nhận bằng MBA, Tim Buckley gia nhập Vanguard năm 1991 ở vị trí trợ lý CEO và ít ai có thể ngờ rằng John Bogle đã đào tạo người kế nghiệp của mình từ tận 5 năm trước khi nghỉ hưu. Tim Buckley sau nhiều khó khăn và cấp bậc phải vượt qua đã trở thành CEO đời thứ 4 của Vanguard, kế tục và truyền thừa những giá trị mà John Bogle để lại cho ngành quản lý quỹ.
Tháng 01/2018, Tim Buckley chính thức nhậm chức CEO từ Bill McNabb, người từng lèo lái con tàu Vanguard qua cơn bão tài chính năm 2008 khi Lehman Brothers sụp đổ. Kể từ đó, quỹ và tài sản của Vanguard tăng trưởng đều đặn và kết thúc quý 4/2018 với tỷ suất 300%, bỏ xa phần còn lại của thị trường, những quỹ đang cố gắng phục hồi sau suy thoái.
Logo Vanguard
Tuy nhiên, ngay từ trước khi bước chân lên ghế nóng, Tim Buckley hơn ai hết hiểu rõ được thách thức đang chờ đợi. Khác hẳn với John Bogle, Tim Buckley phải đối mặt với những khó khăn mà nhà sáng lập Vanguard chưa từng biết đến. Đó chính là mức cạnh tranh khốc liệt của mảng kinh doanh quản lý quỹ. Tại thời điểm nhậm chức CEO, thị trường đã đầy những quỹ lớn nhỏ cùng giám sát chung một rổ chỉ số S&P 500. Duy trì vị thế đứng đầu đã khó, nay Tim Buckley còn phải cạnh tranh với BlackRock của Larry Fink, đối trọng lớn nhất mà Vanguard từng gặp phải.
Nhưng điều có lẽ khiến Tim Buckley bối rối hơn cả lại không phải là sự khốc liệt của thị trường mà phần nhiều lại đến từ cái tên Vanguard và thương hiệu cá nhân John Bogle. Kể từ khi được thành lập cái tên Vanguard không những gầy dựng được lòng tin nơi người dùng mà nó còn gắn liền với cái tên John Bogle, người được ca tụng là nhà quản lý quỹ của nhân dân. Chính vì sự kết hợp đó, bản thân thương hiệu tập đoàn và cá nhân nhà sáng lập đã trở thành nam châm hút tiền khi nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng vào cả 2. Tuy nhiên, giờ đây John Bogle đã không còn nên áp lực đè nặng lên thương hiệu là vô cùng lớn.
Để giải quyết vấn đề ấy, Tim Buckley đã liên tục củng cố những giá trị truyền thống và nâng cao vị thế của Vanguard trong lòng khách hàng. Thay vì liên tục đưa ra những sản phẩm mới, Tim Buckley giảm phí dịch vụ và tăng cường khâu chăm sóc khách hàng nhằm tối ưu trải nghiệm, nhờ vậy nâng cao giá trị thương hiệu. Kết quả, nhà đầu tư đổ vào các quỹ thụ động của công ty một khoản tiền kỷ lục 194 tỷ USD, hơn 60% tổng tài sản của BlackRock và gấp 10 lần Fidelity Investments (số liệu cuối năm 2017).
Vanguard và tiền mã hoá
Dù được cho là một trong những người có tư duy sắc sảo đối với tiền và tài sản, tuy nhiên trong cuộc đua giữa các ông lớn Phố Wall về ETF Bitcoin Spot năm vừa qua, Vanguard dường như không mấy hứng thú với loại tài sản này. Cụ thể, trong khi hàng loạt những ông lớn như: BlackRock, VanEck, Bitwise, WisdomTree, Valkyrie, Fidelity, Invesco, ARK Invest, Global X, Hashdex, Franklin Templeton và Grayscale đã gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hàng loạt các đề xuất lập ETF spot cho cả Bitcoin lẫn Ethereum, thì Vanguard vẫn im hơi lặng tiếng và không có động thái liên quan.
Thậm chí, đến đầu năm 2024, Vanguard tiếp tục ngừng hỗ trợ giao dịch ETF Bitcoin Futures, một lần nữa củng cố lập trường nói không với tiền mã hoá. Nước đi ấy đã nhận lại nhiều chỉ trích và cho rằng đó là sự bảo thủ không cần thiết. Đáp lại, Tim Buckley giải thích rằng quan điểm và mục tiêu hoạt động của Vanguard đi ngược lại bản chất của tiền mã hoá.
“Khác với cổ phiếu và trái phiếu, phần lớn các đồng tiền mã hóa thiếu đi giá trị nội tại và không tạo ra dòng tiền tương lai. Ngoài ra, chúng thường biến động dữ dội, đi ngược lại với cam kết tạo ra lợi nhuận dương ổn định cho nhà đầu tư của Vanguard.”
Ngày 12/01/2024, hàng loạt nhà đầu tư có tài khoản môi giới tại Vanguard không thể giao dịch ETF Bitcoin spot trong ngày đầu tiên mà nó được niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi được phê duyệt bởi SEC. Thông báo trên nền tảng lý giải cho việc này đó chính là hiện sản phẩm không thể giao dịch do Vanguard không hỗ trợ vì rào cản pháp lý, quyết định của doanh nghiệp hoặc giới hạn thanh toán.
Người phát ngôn của gã khổng lồ nghìn tỷ USD nhấn mạnh với truyền thông rằng đơn vị này chưa hỗ trợ ETF Bitcoin spot. Lý do được đưa ra đó chính là hiện công ty vẫn cho rằng lĩnh vực này đang có tính đầu cơ cao và chưa được quản lý một cách đủ chặt chẽ. Thậm chí, người này cũng cho biết thêm rằng Vanguard cũng không có kế hoạch tiếp bước các đối thủ của mình trong cuộc đua thiết lập quỹ ETF Bitcoin spot.
Tổng kết
Bên trên là những thông tin về Tim Buckley và những thách thức, thành công trên cương vị là đầu tàu của Vanguard. Thông qua bài viết, hy vọng Coin68 đã mang đến cho người đọc những góc nhìn tổng quan về Tim Buckley cũng như những điều mà ông đã làm được cho thị trường tài chính.
Comments (No)