81 kiếp nạn “thỉnh” airdrop token EIGEN của EigenLayer


Hàng loạt điểm bất cập xoay quanh màn thông báo airdrop EIGEN gây tranh cãi của EigenLayer. Người dùng dự án phấn khích thì ít mà gặp “kiếp nạn” thì nhiều.

81 kiếp nạn “thỉnh” airdrop token EIGEN của EigenLayer. Ảnh: Unchained Crypto

Như Coin68 đã đưa tin vào khuya ngày 30/04, giao thức restaking EigenLayer giới thiệu token EIGEN và kế hoạch airdrop cho người dùng vào tháng 5.

Tuy nhiên cộng đồng crypto bắt đầu dấy lên tranh cãi không ngừng xung quanh tokenomics của EIGEN cùng những cơ chế “độc lạ” đi kèm.

Công bố whitepaper nhưng không có tokenomics

Vào thông báo hôm qua dự án mới xuất bản whitepaper cho EIGEN nhằm giới thiệu tổng quan về dự, công dụng và tiện ích của token.

Bản whitepaper dài 43 trang cung cấp cái nhìn chi tiết về các công nghệ kỹ thuật xoay quanh EigenLayer. Thế nhưng…. lại không có trang nào đề cập đến tokenomics của EIGEN.

Tokenomics là yếu tố không thể thiếu đối với mọi dự án có token, từ những thông tin phân bổ này mà chúng ta mới có thể biết về tổng cung, cung hiện hành, thời điểm mở khóa sắp tới,… Từ đó mới có thể đánh giá tiềm năng của token, quyết định xem có nên mua token đó vào lúc này hay không….

Whitepaper của EigenLayer đã dài gần 50 trang mà thông tin quan trọng nhất lại không có? Đây là điểm mà cộng đồng crypto không thể hiểu được.

Những thông tin đầu tiên về tokenomics của EIGEN lại đến từ The Block – một trang tin bên thứ ba chứ chẳng phải đến từ chính dự án.

Có vẻ như EigenLayer muốn cộng đồng “tự thân vận động” thì đúng hơn. May mà đã có tỷ lệ phân bổ token từ The Block, một số người dùng mới có thể vẽ nên biểu đồ trực quan cho tokenomics này – thứ đáng ra dự án đã nên cung cấp từ ngay trong whitepaper.

EigenLayer sau đó mới công bố thông tin qua bài đăng của Eigen Foundation, tổ chức quản lý cộng đồng của EigenLayer thông qua token EIGEN.

Các giai đoạn airdrop nhập nhằng

Sau khi qua được cửa ải “đi tìm tokenomics” thì cộng đồng lại phải đối mặt với sự phân bổ airdrop có nhiều điểm chưa hợp lý.

EigenLayer sẽ có tổng cung 1,67 tỷ token ở thời điểm phát hành ban đầu, trong đó 15% cho airdrop. Trong số này, chỉ có 5% là thưởng cho người dùng đã cố gắng “farm airdrop” từ trước đến nay, dự án gọi chung là Season 1. Season 1 đã snapshot vào ngày 15/03/2024.

Thế nhưng Season 1 cũng chia ra 2 giai đoạn: Phase 1 và Phase 2.

Phase 1: 4,54% TGE

Dành cho “end user”, những người dùng đã tương tác với smart contract của EigenLayer:

  • trực tiếp với giao thức;
  • gián tiếp thông qua các giao thức LRT khác;

Nhìn chung đây là trường hợp mà đa số người dùng farm airdrop rơi vào. Số token này sẽ mở khóa vào ngày 10/05 tới đây. 

Phase 2: 0,46% TGE

Khác với Phase 1 tập trung vào người dùng cuối, Phase 2 là dành cho những người dùng từ các giao thức restaking gián tiếp.

Dự án giải thích là vì restaking là mảng có mối quan hệ “chồng chéo”, nhiều dự án stake lại token restaked của nhau, sau đó lại được dự án khác restake tiếp,… Nói chung là thanh khoản “rây mơ dễ má” nên không thể định nghĩa được là người dùng sử dụng trực tiếp được EigenLayer.

Do vậy, những người dùng staking thông qua nhóm dự án restaking trên sẽ rơi vào Phase 2. Hiện theo EigenLayer, các giao thức đã nạp tiền vào Pendle, Equilibrium, Penpie,… hoặc sử dụng rsETH token từ Kelp DAO được tính vào loại này.

Cách “phân biệt đối xử” này làm cộng đồng chỉ trích. Vì rõ ràng liquid restaking là mảng phái sinh từ chính EigenLayer tạo nên, dự án từ trước đến nay cũng khuyến khích giúp mở rộng phân mảng này, tạo nên mô hình “thanh khoản ponzi” chằng chéo nhau.

Vậy mà đến giờ lại phân biệt giữa những giao thức LRT với nhau, airdrop phần lớn cho những người dùng từ giao thức có quan hệ trực tiếp với EigenLayer và chỉ để lại một phần… vô cùng nhỏ cho các dự án khác.

Vướng nhiều tranh cãi về cách tính airdrop này, EigenLayer đã phải lên tiếng giải thích thêm về cách dự án sẽ tính Phase 1 và Phase 2 như thế nào. Nhưng nhìn chung cũng nhận lại đánh giá là “nhập nhằng” trong cách đối xử với LRT, không hề rõ ràng.

Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến giá token PENDLE giảm mạnh trong ngày hôm nay, sau khi nhiều nhà đầu tư cho rằng dự án sẽ không được tính airdrop EIGEN, trước khi EigenLayer lên tiếng làm rõ.

Đồ thị 15m của cặp PENDLE/USDT trên sàn Binance vào 05:15 PM ngày 30/04/2024

Token EIGEN không thể chuyển được, không khác nào points

Thêm một “kiếp nạn” nữa mà người dùng sau khi đã đọc 43 trang whitepaper mới phát hiện ra: “non-transferable” token.

Nghĩa là token EIGEN mà người dùng nhận được là không thể chuyển đi, nhận xong nằm im trong ví đó mà thôi, không chuyển cho ví khác được. Cũng đồng nghĩa với không bán được.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta đều hiểu đa phần người dùng cày airdrop hiện nay đều mong muốn nhận được token “free” để bán ra trên sàn. Nhưng không, EigenLayer ngăn chặn việc token mình bị “dân airdrop” dump bằng cách không cho giao dịch.

Như vậy, token mà cộng đồng nhận được sắp tới đây cũng đâu khác nào các “điểm thưởng points” như trước, chỉ là có thêm cái tên EIGEN mà thôi?

Points cũng do chính EigenLayer dùng để ước lượng airdrop, gắn chặt với địa chỉ ví đó và không thể chuyển đi. Vậy mà sau airdrop token EIGEN cũng có “tính năng” tương tự. 

Một người dùng bức xúc:

“43 trang whitepaper chỉ để thông báo ra mắt token non-transferable nghĩa là bạn không thể bán chúng.

Vậy là một hệ thống points mới để thay cho hệ thống points cũ mới vừa kết thúc à?”

Lịch trình vesting, khi nào bán được?

Dành ra nhiều tháng trời để cày airdrop EIGEN để rồi nhận được tuyên bố là token không thể bán được. Chắc hẳn cộng đồng đã nghĩ không còn “kiếp nạn” nào hơn thế nữa.

Nhưng không, “kiếp nạn” từ đây mới chính thức bắt đầu…

Ừ thì chấp nhận là token “bị khóa” trong một khoản thời gian đi, thế khi nào “mở khóa” để giao dịch đây?

Tiếp tục “cày” 43 trang whitepaper và không! EigenLayer không cho chúng ta biết khi nào token giao dịch được cả.

Vậy tóm lại là token được mở khóa khi nào vậy EigenLayer ơi (?!).

Về phần lý do không cho chuyển token EIGEN ngay lập tức được, EigenLayer đưa ra những lập luận sau:

– Cần lấy ý kiến cộng đồng về những yếu tố quan trọng như thiết kế của token, các tham số hoạt động của dự án và những thay đổi khác;

– Cần đảm bảo các thành phần tham gia nắm được quy định về chi trả thưởng và phạt slashing nhằm duy trì nền kinh tế ổn định;

– Cần chờ hoàn thành các đợt airdrop tiếp theo để có thêm người nắm giữ EIGEN, gia tăng tính phi tập trung cho hoạt động quản trị giao thức.

Người dùng Hsaka còn đặt ra câu hỏi EigenLayer sẽ bắt đầu tính thời điểm mở khóa token cho team và nhà đầu tư từ lúc nào – thời điểm TGE ngày 10/05 hay là lúc token bắt đầu có thể được chuyển – với hàm ý nhắc lại vụ việc mập mờ về vesting cách đây không lâu của Starknet (STRK).

Theo mục FAQ của EigenFoundation, token của nhà đầu tư và đội ngũ dự án sẽ bị khóa trong năm đầu tiên, rồi mở khóa hàng tháng trong 2 năm tiếp theo, hàm ý bắt đầu tính vesting kể từ ngày 10/05 tới. Do đó, không thể loại trừ khả năng thời điểm dự án cho chuyển token cũng là gần ngày các nhà đầu tư bắt đầu được mở khóa.

Lúc stake ETH không chặn IP, lúc nhận airdrop mới chặn

Việc dự án chặn truy cập của người dùng từ một số quốc gia nhất định cũng là điều dễ hiểu. Nhất là gần đây pháp lý Mỹ gắt gao, rất nhiều trường hợp giao thức, sàn và cả ví đều nhanh chóng chặn truy cập từ Mỹ.

Nếu gắt gao hơn thì cần chặn cả người dùng sử dụng VPN như Spark Protocol. Vì trước đây Binance cũng dính cáo buộc chặn người dùng vì lệnh cấm, nhưng trên thực tế sử dụng VPN đổi IP là có thể truy cập được.

Nhưng nhìn vào danh sách chặn của EigenLayer thì có lẽ chúng ta nên suy nghĩ lại ý nghĩa của việc chặn truy cập này…

“Eigenlayer airdrop không áp dụng với Mỹ, Canada, một nửa các quốc gia châu Á, châu Phi và chặn cả VPN.”

Nhưng còn đáng chỉ trích hơn nữa là tại sao EigenLayer không thông báo chặn ngay từ đầu mà đợi đến khi chuẩn bị claim airdrop rồi người dùng mới phát hiện ra là mình thuộc danh sách bị chặn.

“Tại sao tôi không gặp lỗi này khi tôi stake ETH nhỉ?

Mấy anh EigenLayer quên chặn IP quốc gia trong suốt mấy tháng cày airdrop vừa qua và mấy ảnh chỉ vừa nhớ ra ngay trước khi mở airdrop à.”

“Universal Intersubjective Work Token”

Về phần công dụng của token EIGEN, EigenLayer giới thiệu với cộng đồng một phát kiến công nghệ vô cùng đột phá mang tên “Universal Intersubjective Work Token:

“EIGEN là Universal Intersubjective Work Token, bổ sung cho ETH với tư cách là Universal Objective Work Token trong EigenLayer.”

Bạn đọc quan tâm về cải tiến công nghệ đột phá này có thể xem thêm ở thread giải thích dưới đây:

Tranh cãi “insider trading”

Tâm lý bất mãn của không ít thành viên cộng đồng crypto còn được hướng sang những tài khoản có dấu hiệu khả nghi là “insider” của sự kiện ra mắt token EigenLayer. Cụ thể, có người đã phát hiện một địa chỉ ví tiến hành unstake một lượng lớn token ETH khỏi EigenLayer chỉ 1 ngày sau thời điểm snapshot, do đó tuyên bố rằng người này có thể đã biết được tin mật, dẫn đến sự không công bằng.

Song, cũng có người chỉ ra rằng đây có thể chỉ là sự trùng hợp bởi việc rút staking sẽ mất đến 7 ngày, chưa kể đến việc vì đã ngừng staking trước hạn snapshot 15/03 nên ví ấy cũng sẽ không đáp ứng tiêu chí nhận airdrop.

Một điểm “trùng hợp” khác nữa là giá ETH đã giảm liên tục kể từ thời điểm giữa tháng 3 và được nhiều người sử dụng làm bằng chứng cho thấy có người đã biết thời điểm snapshot và không còn cần tiếp tục nắm giữ ETH để được airdrop EigenLayer nữa.

Sau tất cả những gì đã trải qua, hai chuyên gia trong ngành là phóng viên Frank Chaparro của The Block và nhà sáng lập Compound Robert Leshner đều nhận định đây có thể là “điểm bắt đầu cho sự kết thúc” của mô hình điểm thưởng points nhận airdrop.

Tổng kết

Bên cạnh những bất cập như chặn VPN, token không thể giao dịch được và những tranh cãi ngoài lề, hạn chế lớn nhất của EigenLayer qua lần thông báo ra mắt token EIGEN này là việc trình bày thông tin thiếu rõ ràng và cô đọng, từ tokenomics, lịch vesting, chức năng token cho đến tiêu chí tính airdrop cho dự án trong hệ sinh thái – mỗi mảnh nằm ở một nơi, từ whitepaper, đến blog của EigenLayer, rồi blog của Eigen Foundation, rồi trang FAQ của Eigen Foundation, đòi hỏi nhà đầu tư phải tự mình đi cóp nhặt để ra được bức tranh tổng thể.

Ấy vậy mà đây đang là giao thức “bộ mặt” của ngành DeFi trong suốt cả năm qua, với TVL lên đến 15,6 tỷ USD, và từng huy động được 150 triệu USD từ những quỹ lớn như a16z.

Biến động TVL của EigenLayer. Nguồn: DefiLlama (30/04/2024)

Như thường lệ, vẫn có người bỏ ra công sức để “meme hóa” tất cả những lùm xùm xoay quanh sự kiện công bố token EIGEN của EigenLayer bằng một video chế “hài hước”.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!





Source link

Comments (No)

Leave a Reply